• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con mèo đen - những lát cắt thú vị về văn chương Nhật Bản

“Con mèo đen” là tên tập truyện ngắn của một dịch giả “tay ngang”, mang đến những lát cắt rất thú vị về văn chương Nhật Bản trong bối cảnh 2 nước Việt - Nhật kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Con mèo đen - những lát cắt thú vị về văn chương Nhật Bản

Dịch giả Nguyễn Thống Nhất với tác phẩm "Con mèo đen". Ảnh: Dịch giả cung cấp

Mối bang giao của hai quốc gia Việt - Nhật, được bắt đầu từ rất sớm, khởi nguồn từ xứ Quảng, bắt đầu từ năm 736. Thời đó, Phật Triết, nhà tu hành Phật giáo đã từ Lâm Ấp - một vương quốc cổ đại ở khu vực miền Trung Việt Nam hiện nay, đã đi đến Nara - kinh đô của Nhật Bản đương thời để tu tập, hoằng pháp, truyền bá Phật giáo Mật tông vào Nhật Bản.

Không chỉ có vậy, nhà tu hành Phật Triết còn có những đóng góp to lớn cho việc hình thành Nhã nhạc Nhật Bản, hệ thống chữ viết kana trong tiếng Nhật và là nhân vật có ảnh hưởng trong giới tăng sĩ Phật giáo ở Nhật Bản lúc bấy giờ.

“Con mèo đen“, tuyển tập 28 truyện ngắn của Nhật Bản được dịch giả Nguyễn Thống Nhất chuyển ngữ từ tiếng Nhật. Ảnh dịch giả cung cấp

“Con mèo đen“ - tuyển tập 28 truyện ngắn của Nhật Bản được dịch giả Nguyễn Thống Nhất chuyển ngữ từ tiếng Nhật. Ảnh dịch giả cung cấp

Cũng tại xứ Quảng, vào cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã liên tiếp gửi quốc thư cho Mạc phủ Tokugawa đang cầm quyền ở Nhật Bản đề nghị thiết lập bang giao. Đề nghị đó đã được chính quyền Mạc phủ Tokugawa hưởng ứng.

Hai nước đã kết nối bang giao, tạo điều kiện để thương nhân Nhật Bản đến Hội An giao thương, mở ra thời kì hải thương “Châu ấn thuyền” trong quan hệ thương mại Nhật Bản - Đàng Trong, thành lập “phố Nhật Bản” ở Hội An để các thương nhân Nhật Bản định cư, hình thành các mối quan hệ hôn nhân Nhật - Việt, mà tiêu biểu là cuộc hôn nhân của hào thương Araki Sotaro với một người con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1675 - 1725) vào đầu thế kỷ XVII.

Môi bang giao này được hai nước liên tục vun đắp và duy trì đến nay. Tuy vậy, văn chương Nhật Bản lại được bạn đọc Việt Nam biết đến rất muộn và không nhiều.

Cho đến tận những năm đầu thế kỷ XX, bạn đọc Việt Nam mới được tiếp cận được với văn chương Nhật Bản qua tác phẩm “Giai nhân kỳ ngộ” (Sài Tứ Lang) do Phan Chu Trinh chuyển thể từ bản dịch tiếng Hán của Lương Khải Siêu.

Và mãi sau này bạn đọc trong nước mới tiếp cận được với một số tác giả hiện đại, có thể kể đến Kawabata với tác phẩm tiêu biểu là “Xứ tuyết”; Murakami Haruki với “Rừng Na uy”; Watanabe Jyun-ichi với “Đèn không hắt bóng”…

Tuy nhiên, hầu hết tác phẩm của những tác giả này được chuyển ngữ qua tiếng Việt từ các bản tiếng Anh, tiếng Pháp. Chỉ rất ít được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật, chủ yếu do rào cản ngôn ngữ.

Bởi vậy, “Con mèo đen” với 28 truyện ngắn của nhiều tác giả (NXB Thuận Hoá -2023) là một tập truyện rất thú vị.

Trước hết, nó được dịch giả Nguyễn Thống Nhất từ xứ Huế, chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Nhật. Và bản thân dịch giả, vốn được biết đến là một nhà thơ, lâu nay hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đã lần đầu bước chân vào địa hạt dịch thuật với tâm thế xuất phát là “một người đọc để thưởng thức và tìm hiểu văn chương Nhật trong lúc không có việc gì làm”.

28 tác phẩm của 28 tác giả, tất nhiên chưa phải là đại diện cho văn chương cận - hiện đại rực rỡ của Nhật Bản, bắt đầu từ sau cuộc Minh Trị Duy Tân (1868), đến thời kỳ Đại Chính (1912 -1925) và kéo dài đến thời kỳ Chiêu Hoà (1926 -1989).

“Con mèo đen” chỉ là 28 lát cắt, giúp cho bạn đọc Việt Nam có thêm những góc nhìn khác về một thời kỳ văn học Nhật Bản hình thành và phát triển với việc hàng loạt các lưu phái ra đời, gắn liền với những diễn biến của lịch sử.

Cũng là minh chứng sinh động cho quá trình hội nhập sâu rộng của Nhật Bản với thế giới bên ngoài. “Và đây chính là điều làm tôi bất ngờ nhất khi tôi, vốn là một người yêu thích văn học mà mãi đến lúc này mới tiếp cận được đôi chút”, dịch giả Nguyễn Thống Nhất nói.

Cũng theo dịch giả Nguyễn Thống Nhất thì “chắn chắn sau “Con mèo đen” sẽ còn có những “con mèo” khác nữa của văn học Nhật Bản đang được tôi ấp ủ chuyển ngữ”.

Vậy nên, bạn đọc có quyền kỳ vọng Việt Nam sẽ có thêm một Nguyễn Thống Nhất, ngoài nhà thơ còn là dịch giả chuyên nghiệp về văn học Nhật Bản, vốn đang rất thưa mỏng!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết