Thông điệp từ "Hồn Việt phương Nam"
Để hấp dẫn, nghệ thuật đờn ca tài tử cần sự cải tiến, lộ trình đào tạo ngay từ bây giờ, không để bộ môn này bị mai một
Nhằm lan tỏa thông điệp cùng chung sức giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể được thế giới vinh danh, nghệ nhân, nghệ sĩ cả nước đang hướng về TP Cần Thơ, nơi sắp diễn ra Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần IX-2022, do Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức.
Đổi mới cách làm, du khách sẽ đến
UBND TP Cần Thơ mới đây đã thông qua kịch bản chương trình khai mạc với chủ đề "Hồn Việt phương Nam" dự kiến diễn ra vào tối 7-4 tại Quảng trường quận Bình Thủy. Là người viết kịch bản cho đêm khai mạc, soạn giả Nhâm Hùng trăn trở làm thế nào để có một chương trình ĐCTT hấp dẫn khi mà có nhiều không gian sinh hoạt nhưng dường như khó thu hút công chúng thưởng thức.
"Tôi nghĩ có nguyên do ĐCTT từ xưa vốn là để nghe nhưng nay ta phát triển lên không gian nhìn, nên bộc lộ nhiều hạn chế. Còn nhớ, năm 2017 tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, trong một tối biểu diễn phục vụ du khách, chương trình ĐCTT chỉ lưa thưa khán giả nhưng khi tiếng nhạc ngũ âm trỗi lên, các vũ công Campuchia ra múa thì lập tức không khí trở nên sôi động, khán giả kéo tới rất đông. Qua thực tế đó, rất cần phải thay đổi cách thức xây dựng chương trình ĐCTT, đáp ứng nhu cầu nghe và nhìn, mới đủ sức hấp dẫn" - soạn giả Nhâm Hùng nói.
Một không gian đờn ca tài tử được tổ chức tại Nhà hát Thành phố do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thực hiện với chủ đề “Hội tụ tinh hoa Việt”
Cũng theo soạn giả Nhâm Hùng, nên bớt tính khoa giáo, "khoe văn, múa võ" trong các chương trình nói về ĐCTT, mà cần phổ cập những bài bản được dàn dựng sinh động, có sức lan tỏa đến đại chúng để góp phần bảo tồn ĐCTT, chứ đừng đổ tiền của cho quá nhiều cuộc thi, liên hoan nhỏ lẻ mà chỉ có giám khảo, ban tổ chức xem, còn người dân không quan tâm.
"Cách làm năm nay sẽ có nhiều thay đổi, cải tiến. Đồng ý ĐCTT lấy 20 bài Tổ làm gốc nhưng đưa vào văn hóa du lịch cần sự cải cách, chọn lọc và hình thức dàn dựng phải đổi mới. Nghệ nhân bây giờ cứ ca theo làn "hơi xưa", rên rỉ quá nhiều, ban giám khảo còn nghe không nổi, nói chi khán giả.
Tiếc là năm nay do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên đã bỏ hội thảo, nghệ nhân và giới chuyên môn không ngồi lại để nhìn cho ra mặt mạnh, mặt chưa làm được" - soạn giả Nhâm Hùng bày tỏ và theo ông, thông điệp của "Hồn Việt phương Nam" do ông sáng tác sẽ xoáy vào trọng tâm cải tiến.
Nghệ nhân Nhứt Dũng cũng cho rằng làm sao để một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại xuất phát từ mạch nguồn cộng đồng, từ trong đời sống nhân dân phải được chính nhân dân gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị thì cần đổi mới cách tổ chức không gian ĐCTT.
"Nhìn lại, tôi thấy đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2025 chưa xoáy mạnh vào việc tổ chức không gian ĐCTT cho học sinh, sinh viên. Lâu nay cứ làm theo kiểu đưa vào học đường, cho các em ngồi dưới sân trường trời nóng bức mà nghe ĐCTT thì phản tác dụng. Phải phối hợp với du lịch địa phương, đưa các em đến không gian nơi có nhiều trải nghiệm để tìm hiểu, lắng nghe và hòa mình vào sân chơi ĐCTT mới hiệu quả" - nghệ nhân Nhứt Dũng nói.
Không để mai một
Bất cứ một di sản văn hóa nào, cả vật thể lẫn phi vật thể, có duy trì được giá trị, giữ sức sống mãnh liệt hay bị mai một theo thời gian hay không đều tùy thuộc vào sự tác động của yếu tố con người. Nghệ thuật ĐCTT hơn bao giờ hết phải hiểu được giá trị của bản thân. Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ nói ĐCTT được tổ chức UNESCO công nhận cuối năm 2013 nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận loại hình này đang dần mai một.
Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho ĐCTT, các nghệ nhân nòng cốt đã mất dần, việc truyền dạy tại TP HCM chưa có lộ trình, bài bản chính thức. Đừng đổ lỗi do nhịp sống cuốn lấy phần đông thị hiếu của lớp trẻ, mà hãy tự trách cách làm chưa hay, trong đó nghệ nhân cứ an phận, không cố gắng tìm tòi, hòa mình vào không gian đổi mới để giới trẻ thích thú.
"Nền tảng số mà mở lên toàn những bài bản chọn lựa không hay, cách đờn cũng trật nhịp, cách ca không sinh động, cách quay hình lại càng nghèo nàn, ai mà ngồi xem. Nếu không thay đổi thì mất hết!" - Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ cảnh báo.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Hồng Phước, người nghiên cứu về ĐCTT, nhìn nhận các nghệ nhân trẻ thì như "ngựa non háu đá". Nhiều bạn trẻ chỉ biết đờn vài ba bài lý, chưa một lần được ngồi trong dàn nhạc tài tử mà xưng danh thầy đờn rồi được đài truyền hình tỉnh giới thiệu, vinh danh. Tương tự, nhạc sĩ Văn Môn cho rằng cách chọn lọc những bài bản để giới thiệu trên truyền hình cũng yếu kém, cho thấy biên tập không rành về ĐCTT. Chính những điều này đã hạn chế sức lan tỏa của loại hình di sản văn hóa đã được thế giới chứng nhận tầm giá trị.
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, mọi cải tiến của nghệ thuật ĐCTT là nhiệm vụ cần thiết trong tiến trình "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII và để thực hiện mục tiêu "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.
Tất cả 21 tỉnh, thành có nghệ thuật ĐCTT đang cấp thiết thực hiện nhiệm vụ chung đó theo cách của địa phương. Cần Thơ là một trong những "cái nôi" quan trọng của di sản này và sự kết hợp 2 sự kiện mang thông điệp đổi mới hứa hẹn cụ thể hóa nhiệm vụ bằng cách làm phù hợp với lộ trình, giải pháp rõ ràng.
"Việc truyền lửa cho nghệ nhân trẻ rất quan trọng. Không ít nghệ nhân đã trọn đời theo nghiệp, chính họ là những người giữ nhịp, giữ lửa cho ĐCTT bền bỉ theo thời gian. Tuy nhiên, để tìm nguồn nhân tài mới, lớp trẻ kế thừa thì chọn lựa kỹ, đừng ép chín sớm mà phải có đề án đào tạo" - bà nhấn mạnh.
Tựu trung, cốt lõi của những người trong nghề là truyền lửa đam mê thông qua liên hoan này là để cùng giữ gìn một di sản văn hóa độc đáo, vận động các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực tham gia vào công tác truyền dạy về ĐCTT.