Rộng cửa với bảo tàng tư nhân, tránh lãng phí di sản văn hóa
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được bàn thảo tại nghị trường Quốc hội có nhiều điểm mới, trong đó, nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến cho rằng, luật cần có những quy định để hệ thống bảo tàng ngoài công lập (bảo tàng tư nhân) đóng góp nhiều hơn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản và thúc đẩy du lịch.
Nỗi khắc khoải từ một bảo tàng tư nhân
Trong một ngày đầu Xuân Tân Sửu, tôi được người bạn mời đến thăm “một bảo tàng độc nhất vô nhị ở xứ Đoài”, nằm ở thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Nhắc đến Sài Sơn, tôi chợt nhớ ngay câu thơ nổi tiếng của Quang Dũng: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng”. “Chắc là bảo tàng… lúa chứ gì” tôi hỏi. “Không” anh bạn nói “cao siêu hơn nhiều. Đó là một bảo tàng tranh. Một trong những bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam”.
Thế là tôi gặp được họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ. Bà sinh năm 1948, cháu đời thứ 15 dòng họ Phan Huy Ích và Phan Huy Chú. Người bạn giới thiệu: “Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã bộc lộ năng khiếu hội họa và quyết tâm theo đuổi nó bằng một quyết tâm cao. Lớn hơn một chút, bà không chỉ vẽ mà còn luôn có ý thức giữ gìn, sưu tầm những bức tranh và cổ vật có giá trị, bởi với bà, ở đó hiển hiện cả một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Sau một quá trình tích lũy đủ dài với những kiến thức cùng các bức tranh, cổ vật sưu tầm được, năm 2006, bà đã thành lập Bảo tàng Mỹ thuật họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ”.
Trong nếp nhà khá hiện đại nằm giữa thôn Phúc Đức, chỉ cách chùa Thầy vài trăm mét, là một bảo tàng thực sự. Chủ nhà không ngần ngại giới thiệu: “Đây là tranh của Bùi Xuân Phái, kia là tác phẩm của Nguyễn Gia Trí, góc xa treo mấy tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm…” đều là những tác phẩm của các danh họa Việt Nam. Tất nhiên, tất cả là những bản gốc.
Theo quy định, bảo tàng được phép thu phí để duy trì hoạt động nhưng đến thời điểm này, bảo tàng của họa sĩ Ngọc Mỹ vẫn mở cửa miễn phí, hoạt động vì cộng đồng. Khi tôi hỏi về sự an toàn và khả năng lưu giữ để không bị hỏng đối với những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ chia sẻ: “Tôi mơ ước có được không gian rộng hơn, an toàn hơn cho các tác phẩm trưng bày. Làm bảo tàng trăm thứ khó.
Thực tế, những năm qua, có không ít bảo tàng tư nhân mở ra, vốn đầu tư lớn nhưng rồi lỗ nặng nề. Một trong những hướng đi hiệu quả của bảo tàng nói chung và bảo tàng tư nhân nói riêng là liên kết du lịch nhằm thu hút khách, nhưng hoạt động này còn đang yếu. Nguyên nhân là cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho loại hình bảo tàng này chưa nhiều.
Các chương trình trưng bày, triển lãm, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng phần nhiều do bảo tàng tự trang trải kinh phí nên còn nhiều eo hẹp. Luật Di sản văn hóa hiện hành thừa nhận mô hình bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, ngoài quy định này, thì trong Luật không có quy định riêng nào dành cho bảo tàng ngoài công lập”.
Tìm lối đi cho bảo tàng tư nhân
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 70 bảo tàng tư nhân. Khái niệm bảo tàng tư nhân được quy định trong Luật Di sản văn hóa 2001, đến năm 2009 khi sửa Luật đổi thành bảo tàng ngoài công lập. Điều này cũng cho thấy việc chưa thừa nhận sở hữu tư nhân về di sản văn hóa.
Trong quá trình lấy ý kiến về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này, có ý kiến cho rằng, dù định nghĩa thế nào thì hiện vật ở các bảo tàng này không thuộc sở hữu toàn dân, mà sở hữu các hiện vật này thuộc về từng cá nhân cụ thể, tức là sở hữu tư nhân.
Trong một lần trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - nhấn mạnh, việc thành lập bảo tàng tư nhân không khó, nhưng duy trì và phát triển hoạt động mới thực sự khó. Nhiều bảo tàng đã teo đi nhanh chóng sau khi thành lập chỉ vì sự thiếu chuyên nghiệp.
Hồi tháng 7.2024, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, khi bàn về sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật trình tại hội nghị này đã chú trọng hơn tới bảo tàng tư nhân nằm trong bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, bảo tàng tư nhân vẫn chưa được đề cập một cách đúng mức. Dự thảo vẫn chủ yếu quy định về bảo tàng công lập. Những nhiệm vụ của bảo tàng như: Sưu tầm, tư liệu hóa hiện vật và Di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng, hoạt động kiểm kê hiện vật, hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng… đều chưa thực sự phù hợp với bảo tàng tư nhân, chủ yếu hướng đến bảo tàng công lập.
Nhiều bảo tàng tư nhân sở hữu những di sản vô cùng giá trị. Khi chưa có cơ chế ưu đãi nào, các bảo tàng tư nhân phải hoàn toàn tự lo kinh phí từ nguồn đầu tư của các cá nhân, dẫn tới những khó khăn trong việc tổ chức trưng bày, bảo quản hiện vật, đón khách tham quan. Đây cũng là điểm nghẽn trong quá trình phát triển của các bảo tàng tư nhân. Vì vậy, nhiều bộ sưu tập quý giá của các cá nhân vẫn chỉ là sưu tập của cá nhân, chưa phát huy được giá trị, không có điều kiện để trưng bày rộng rãi.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hỗ trợ sự phát triển của bảo tàng tư nhân, cần có những quy định cụ thể hơn trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Bởi khi cánh cửa bảo tàng tư nhân vẫn “khép hờ” có nghĩa là chúng ta đang lãng phí những giá trị di sản văn hóa, lãng phí cơ hội thưởng thức của người dân và lãng phí những hiện vật, tác phẩm có giá trị ở các bảo tàng tư nhân trước nguy cơ hỏng hóc bởi không có nguồn lực bảo quản, duy trì.
“Khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa, rất cần có những quy định cụ thể, thiết thực để tạo động lực phát triển bảo tàng tư nhân. Trong đó, cần thiết phải có những quy định riêng cho bảo tàng tư nhân: Từ điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, hoạt động, cho đến các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Có như vậy, chúng ta mới đảm bảo được những điều kiện cần thiết nhất để bảo tàng tư nhân phát huy giá trị, đóng góp tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của quốc gia” - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.