Cố đô Sukhothai - bản sắc văn hóa đặc trưng của Thái Lan
Thành cổ Sukhothai được UNESCO công nhận là cái nôi của nền văn hóa Thái Lan và được công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1991. Du khách sẽ có những trải nghiệm đặc biệt khi đến thăm kinh đô đầu tiên xứ sở Chùa Vàng.
Cần hành động tích cực hơn
Sukhothai là kinh đô đầu tiên của vương quốc Xiêm La, được thành lập khoảng giữa những năm 1238 và 1257, dưới thời trị vì của vua Phokhun Si Intharathit, người đã sáng lập ra triều đại Ruang Phra. Kéo dài suốt 120 năm sau đó, Sukhothai được cai trị bởi nhiều vị vua, nhưng được ghi nhớ nhất là Ramkhamhaeng Đại đế vì đã sáng tạo ra bảng chữ cái Thái Lan và đặt nên nền tảng vững chắc cho chế độ quân chủ, tôn Phật giáo thành quốc giáo… Sukhothai là một trong những nơi tiêu biểu cho nền nghệ thuật Xiêm La trong giai đoạn đầu tiên và tiêu biểu cho sự sáng tạo của đất nước Thái Lan đầu tiên.
Ngày nay, Sukhothai chỉ là thủ phủ của tỉnh Sukhothai với diện tích 6.596 km2, cách thủ đô Bangkok khoảng 427 km về phía Bắc. Cố đô Sukhothai được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1991. UNESCO ghi nhận Sukhothai mang đến bản sắc văn hóa độc đáo của Thái Lan, bao gồm ngôn ngữ, tôn giáo và kiến trúc. Thành cổ được biết đến là không gian nghệ thuật, ngôn ngữ và tôn giáo phát triển rực rỡ. Nhiều học giả đã gọi nơi đây là cái nôi của nền văn hóa Thái Lan. Nền văn minh vĩ đại phát triển ở Sukhothai đã có ảnh hưởng sâu sắc và mang đậm truyền thống địa phương cổ xưa. Hiện tại, một số tu viện Phật giáo ấn tượng khác về kiến trúc Thái Lan cổ xưa có thể được khám phá tại Công viên Lịch sử Sukhothai.
Thành cổ Sukhothai cũng là minh chứng về việc phát triển kỹ thuật thủy lực. Vương quốc này đã cải tạo thành công cảnh quan địa phương bằng cách xây dựng hiệu quả các hồ chứa, ao và kênh đào trong quá trình kiểm soát lũ lụt và đưa nước vào để phục vụ ngành nông nghiệp, kinh tế và lễ hội. “Khi mọi người đi bộ quanh các di tích lịch sử Sukhothai, họ sẽ tìm thấy những hồ nước nhân tạo kết nối với nhau theo một hệ thống nhất định. Thành phố nổi tiếng là nơi có hệ thống nước hiệu quả nhất trong lịch sử Xiêm”, bà Sirawee Lamsudjai, cán bộ văn hóa tại Bảo tàng Quốc gia Ramkhamhaeng của thành phố cho biết.
Trong khu vực công viên cũng từng nổi tiếng về nghề làm lồng đèn thả sông, túi, giỏ, mũ làm bằng lá cây cọ, thân cây mềm… Nghề làm gốm sứ cũng phổ biến trong thời kỳ hoàng kim của nhà nước Sukhothai và vẫn tồn tại cho đến nay. Đây được xem như là một công viên kiểu mẫu, kiến trúc ảnh hưởng từ Khmer, Lana, Myanmar… Các ngôi đền được bao quanh bởi các thảm cỏ xanh, các hào nước và hồ nước rất đẹp.
Loy Krathong, lễ hội lớn thứ hai của Thái Lan được tổ chức tại đây vào tháng 11 hằng năm. Năm nay, lễ hội hoa đăng này sẽ được tổ chức vào ngày 15.11. Tại lễ hội, mọi người thường thả những chiếc đèn hoa đăng xuống nước, ví như lễ vật dâng lên nữ thần nước - một hành động mà nhiều người tin rằng sẽ mang lại may mắn. Lễ hội hứa hẹn mang đến cho du khách cơ hội hiếm có để chiêm ngưỡng những di tích cổ của thành phố được thắp sáng rực rỡ, nhằm tôn vinh di sản ấn tượng của công viên lịch sử giữa các cuộc diễu hành truyền thống, chương trình trình diễn ánh sáng và âm thanh cùng pháo hoa. Lễ hội Loy Krathong là thời điểm người Thái bày tỏ sự tôn kính, biết ơn thần nước Phra Mae Khongkha vì đã cung cấp nguồn nước dồi dào, che chở và ban phước lành cho cuộc sống. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp cầu chúc, ước nguyện cho bình an, hạnh phúc lâu bền trong tình cảm lứa đôi.
“Lối sống của người dân Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào nước, từ sinh hoạt đến canh tác. Xưa kia, sông là tuyến đường vận chuyển chính, mọi thứ diễn ra đều liên quan đến nước. Loy Krathong là một lễ hội rất hấp dẫn và diễn ra vào thời điểm hoàn hảo, khi mực nước đạt đỉnh trên các con sông và vào thời kỳ chuyển tiếp từ mùa mưa sang mùa đông”, ông Tongthong Chandransu, một nhà sử học và học giả nổi tiếng ở Thái Lan cho biết.