• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nói với em

Vũ Quần Phương là nhà thơ, nhà phê bình văn học hàng đầu trên văn đàn, được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió,

Sẽ được nghe thấy tiếng chim hay,

Tiếng lích chích chim sâu trong lá,

Con chìa vôi vừa hót vừa bay.

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện,

Sẽ được nhìn thấy các bà tiên,

Thấy chú bé đi hài bảy dặm,

Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền.

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ,

Đã nuôi em khôn lớn từng ngày,

Tay bồng bế, sớm khuya vất vả,

Mắt nhắm rồi, lại mở ra ngay.

Vũ Quần Phương

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

Trong số các sáng tác viết cho thiếu nhi của ông, bài thơ “Nói với em” được nhiều người yêu thích và thuộc nằm lòng.

Bài thơ là lời tâm sự, nhắn nhủ các bạn đọc nhỏ tuổi hãy biết lắng nghe, nhìn nhận, suy nghĩ về cuộc sống quanh ta để từ đó biết sống đẹp, thành trò giỏi - con ngoan, ứng xử có tình có nghĩa.

Dùng thể thơ bảy chữ, ngôn từ gần gũi, tác giả đã gửi gắm bao yêu thương trìu mến tới các em nhỏ. Bài gồm ba khổ thơ, mỗi khổ đều mở đầu bằng cụm từ có ý nghĩa giả định “Nếu nhắm mắt…sẽ được…”. Nhiều người đều biết đôi mắt là cửa sổ tâm hồn.

Tâm tính con người ra sao thường biểu hiện qua đôi mắt. Đây là cơ quan thị giác giúp mỗi cá nhân quan sát xung quanh. Tuy nhiên cuộc sống hiện tại thường xô bồ, tất bật dễ khiến con người cuốn theo vòng xoáy của nó mà quên đi trách nhiệm bản thân.

Là người ông của các em nhỏ, điều đầu tiên tác giả muốn nói với em là: “Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió/Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay/Nghe lích chích chim sâu trong lá/Chim chìa vôi vừa hót vừa bay”.

Khi nhắm mắt lại, tập trung lắng nghe thanh âm trong khu vườn thân thuộc, ta sẽ cảm nhận được tiếng chim trong đám lá “lích chích” đang kiếm sâu để vừa được no mồi vừa bảo vệ cho cây trồng. Bên cạnh đó ta còn nghe được cả tiếng chìa vôi lảnh lót bởi thói quen của loại chim này là “vừa hót vừa bay”.

Những tiếng chim đó chính là âm thanh đáng yêu của thiên nhiên ban tặng cho con người. Ai nghe được chim hót, tâm hồn như được thanh lọc, được xả stress, sẽ cảm thấy thật sự hạnh phúc, cuộc đời đáng yêu biết bao.

Không dừng lại ở đó, nhà thơ còn “nói với em” những điều thú vị hơn nữa: “Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/Sẽ được nhìn thấy các bà tiên/Thấy chú bé đi hài bảy dặm/Qủa thị thơm cô Tấm rất hiền”. Trẻ thơ vốn giàu tưởng tượng và mơ ước, rất thích nghe truyện cổ tích.

Người bà thường kể cho các bé nghe bao câu chuyện thần tiên ly kỳ hấp dẫn. Truyện cổ tích nào nước nào cũng thường có các yếu tố kỳ ảo: Tiên, Bụt, các nhân vật “nhỏ bé”, thiếu hụt về hình thể như Chú bé tý hon, Sọ Dừa hay “nhỏ bé” về thân phận như Cô Tấm, Đứa bé mồ côi, Người em út… nhưng phẩm chất của họ thật cao đẹp bởi sự kết tinh đức độ, tài năng và ước vọng của người lao động.  

Một khi biết lắng nghe và tưởng tượng, các em nhỏ sẽ thấy thế giới này tuyệt diệu và cuộc sống đáng quý, đẹp đẽ vô cùng.

Chưa hết, những câu thơ cuối, tác giả tiếp tục “nói với em” những điều gần gũi, thiết thân hơn nữa: “Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ/Đã nuôi em khôn lớn từng ngày”. Đây là lời khuyên chân tình các em nhỏ cũng như mỗi chúng ta, hãy biết nghĩ đến cha mẹ,  người đã sinh thành, dưỡng dục mình khôn lớn; người không chỉ “bồng bế” mà còn từng trải qua biết bao “vất vả” để  nuôi ta được lớn khôn như ngày hôm nay.

“Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay” là lời nhắn “em” biết sáng suốt yêu thương, hiếu kính cha mẹ bằng cách ứng xử và các hành động cụ thể hằng ngày. Bài thơ sử dụng từ láy (lích chích, bồng bế, vất vả) và hình ảnh gợi cảm kỳ thú, đã khơi gợi, truyền tới chúng ta tình yêu cuộc sống, biết sống cao đẹp, hiếu nghĩa, thủy chung.

Với giá trị thẩm mỹ và nhân văn cao đẹp, bài thơ tiếp tục khơi nguồn cảm hứng để các nhạc sỹ Vũ Hoàng và Phan Bá Chức phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Nhạc phẩm này được đông đảo thính giả mọi lứa tuổi, nhất là các em nhỏ vô cùng yêu mến.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết