• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Mai Vàng nhân ái" thăm danh ca vọng cổ hài Văn Hường

Sáng 23-2, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến TP Thủ Đức thăm danh ca vọng cổ hài – nghệ sĩ Văn Hường.

Mai Vàng nhân ái thăm danh ca vọng cổ hài Văn Hường - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Văn Hường nhắc lại các dĩa hát để đời của ông. Ảnh: Tấn Thạnh

Đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng đến nghệ sĩ Văn Hường.

Nhận sự hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", nghệ sĩ Văn Hường cho biết ông rất xúc động, biết ơn trước sự quan tâm của Báo Người Lao Động và Ngân hàng TMCP Nam Á. "Năm nay nhóm bạn hữu trong Đoàn cải lương Kim Chung nói sẽ tổ chức mừng thọ 91 tuổi cho tôi. Bây giờ cứ đếm từng ngày được ăn sinh nhật. Hễ còn khỏe thì tôi sẽ tiếp tục ca vọng cổ hài, đem tiếng cười phục vụ khán thính giả yêu thể điệu vọng cổ hài" - nghệ sĩ Văn Hường tâm sự.

Năm nay đã 91 tuổi, ông không còn hoạt bát như xưa, nhưng lúc nào cũng nở nụ cười "rất Văn Hường". Vợ của ông vừa qua đời, nỗi buồn xa cách người bạn đời đã từng chia ngọt, sẻ bùi mấy thập niên qua càng làm cho đôi mắt ông thêm tiều tụy. Ông chung sống với bà có 5 người con, trong đó có nghệ sĩ Thanh Tùng theo nghề nhạc công. Vợ của ông cũng là nghệ sĩ, bà tên Ngọc Sương, từng đoạt HCV Giọng ca cải lương do Đài Truyền hình Bình Dương tổ chức.

Mai Vàng nhân ái thăm danh ca vọng cổ hài Văn Hường - Ảnh 2.

Dĩa vọng cổ hài của Nghệ sĩ Văn Hường một thời rất thịnh hành

Nghệ sĩ Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại ấp Mỹ Thành, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP HCM trong một gia đình nhà nông. Nhắc đến sự nghiệp nghệ thuật của nghệ sĩ Văn Hường, ông vẫn luôn nhớ đến giai đoạn được xem là xuất phát điểm khi bước chân vào sân khấu cải lương, đó là quán "Lệ Liễu" nằm gần khu vực cầu Thị Nghè (những năm 1960 - 1970) - nơi đã trở thành điểm hẹn của người yêu thích ca cổ ở Sài Gòn - TP HCM thời đó.

Theo lời ông tâm sự, thuở nhỏ vì say mê ca vọng cổ mà chiếc radio phát thanh những bài ca hay đã cuốn hút ông, đến nổi ông thuộc nằm lòng rất nhiều bài bản, câu hò điệu lý của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Mai Vàng nhân ái thăm danh ca vọng cổ hài Văn Hường - Ảnh 3.

Soạn giả - NSND Viễn Châu và nghệ sĩ Văn Hường

Năm 15 tuổi, ông từ giã quê hương lên Sài Gòn. Nghề đầu tiên ông mưu sinh ở mảnh đất phồn hoa đô hội là bán hột dưa ở rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân thuộc Nhà hát Kịch TP HCM - 30 Trần Hưng Đạo, quận 1).

Dù là một anh thanh niên bán hột dưa, quạt giấy phục vụ khán giả vào xem hát nhưng rảnh thì ông ca nghêu ngao vài câu vọng cổ nên những "bạn nghề" khuyên ông nên tìm lò đào tạo để được làm nghệ sĩ.

Nghe vậy, ông dành dụm tiền đến quán Lệ Liễu để xem hát, không ngờ chính nghệ sĩ Lệ Liễu – chủ quán phát hiện anh bán hột dưa nên đã cho ông lên sân khấu ca thử một bài vọng cổ. Sau lần đó, cứ cuối tuần ông lại đến và được nghệ sĩ Lệ Liễu cho cùng song ca với bà.

Mai Vàng nhân ái thăm danh ca vọng cổ hài Văn Hường - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Văn Hương và vợ

Tiếng lành đồn xa, nhiều nghệ sĩ của làng cải lương đã tìm đến quán Lệ Liễu để nghe Văn Hường ca vọng cổ, trong số đó có soạn giả - NSND Viễn Châu. "Chính thầy Viễn Châu đã phát hiện ra chất giọng ca khi xuống xề với lối hài hước, dí dỏm…ự, ự và hướng dẫn cho tôi cách ca vọng cổ hài. Và từ đó tôi có duyên với thể loại này" – nghệ sĩ Văn Hường nhắc lại.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...