Ngôi đền thờ trạng nguyên nhỏ tuổi nhất đất Việt ở Nam Định
Nam Định - Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền được xây trên nền ngôi nhà cũ của gia đình ông tại thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Xung quanh Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền có nhiều cây cổ thụ. Ảnh: Hà Vi
Trạng nguyên Nguyễn Hiền sinh năm Ất Mùi (1235), người làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường xưa, nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông thi đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi, trở thành trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam.
Ngày 14.8 (âm lịch) năm Ất Mão (1255), Trạng nguyên Nguyễn Hiền qua đời. Người dân quê hương tỏ lòng tôn kính đã xây đền thờ ông trên nền ngôi nhà cũ của gia đình tại thôn Dương A, xã Nam Thắng.
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền tại thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ảnh: Hà Vi
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền hay còn gọi là đền Quan Trạng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Tại di tích này còn lưu giữ được bài vị, nhiều sắc phong, câu đối, đại tự ca ngợi ông lao của Trạng nguyên Nguyễn Hiền.
Ngày nay, đền Quan Trạng nằm chính giữa làng Dương A, quay hướng Tây Nam, với bình đồ kiến trúc "Tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh". Phía trước đền là hồ sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ xòe tán lá rộng che bóng mát.
Tòa tiền đường được đại tu vào cuối triều Nguyễn và năm 2018 có 5 gian, 2 trái, 6 bộ vì kèo và 4 hàng cột gỗ lim. Cung đệ nhị 3 gian, hệ thống cửa gỗ lim chân quay chắc chắn. Cửa ở gian giữa có 6 cánh chạm bộ tranh tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai", chính giữa là hình lưỡng long chầu nguyệt. Cung cấm với 2 gian, được làm giao mái với cung đệ nhị. Tại cung chính có đặt ngai và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền.
Hệ thống cột kèo làm bằng gỗ lim phía bên trong Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Ảnh: Hà Vi
Ông Phạm Xuân Hinh - Ban Quản lý di tích Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền cho biết, đây là ngôi đền cổ gắn liền với lịch sử, đời sống tâm linh, truyền thống hiếu học của người dân địa phương. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đền Quan Trạng còn là nơi cất giấy tài liệu, chính tẩm là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đền cũng là nơi để đi về hội họp của bộ đội và du kích, đầu mối giao thông liên lạc của hai tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Trải qua nhiều năm tháng do thiên tai, chiến tranh tàn phá, di tích đền Quan Trạng vẫn còn đó, được tu sửa, nâng cấp nhiều lần và nhân dân địa phương bảo tồn, giữ gìn.
Lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền được mở hàng năm từ ngày 14 - 16.8 âm lịch. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân Nam Trực và du khách thập phương về thắp hương tưởng niệm tỏ lòng tri ân với Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động để tìm hiểu những giá trị về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và khơi dậy, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí vượt khó, hiếu học.