• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Múa Thiên Cẩu quay trở lại Hội An trong dịp Tết Trung thu

Những năm gần đây múa Thiên Cẩu đã dần quay trở lại ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam). Đây cũng là một trong những hoạt động văn hóa góp phần đưa Tết Trung thu Hội An được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Múa Thiên Cẩu quay trở lại Hội An trong dịp Tết Trung thu

Múa Thiên Cẩu ở Hội An. Ảnh: Nguyễn Linh

Người tạo hình Thiên Cẩu

Những ngày này xưởng sản xuất Lân Sư Rồng của gia đình anh Nguyễn Hưng, trú tại xã Cẩm Hà, TP Hội An đang gấp rút hoàn thiện những nét vẽ cuối cùng trên đầu Lân, đầu Thiên Cẩu để phục vụ Tết Trung thu. Đây cũng là xưởng duy nhất tạo hình linh vật Thiên Cẩu tại Hội An.

Múa Thiên Cẩu thường gắn với nghệ thuật trang trí, biểu diễn cùng nhiều nghi thức, ý nghĩa liên quan đến trừ tà khí, trừ hỏa hoạn, chúc phúc, cầu tài lộc...

Anh Nguyễn Hưng cho biết: “Khung của đầu Thiên Cẩu thường có cằm chúi thấp hơn tạo thế chồm tới, dữ dằn hơn, còn Lân lại ngước hàm lên trên và cao hơn. Thiên Cẩu có mang và mắt, mũi to hơn, bành hơn về phía trước, hình dáng mắt gần với mắt cá”.

Để làm nên một đạo cụ linh vật, về cơ bản đều phải trải qua 4 bước: Làm sườn, dán vải và giấy, vẽ và sơn màu, đắp lông. Việc tạo khung sườn cần sự tỉ mỉ, cẩn thận để tạo được kiểu dáng theo ý muốn.

Phần đầu Thiên Cẩu được tạo bằng mây, tre, giấy, tô phết nhiều màu rực rỡ theo 5 năm màu cơ bản trong ngũ hành, với màu đỏ là chủ đạo.

Khác với Lân, phần đuôi của Thiên Cẩu dài khoảng 5m, khi múa Thiên Cẩu cần khoảng 4 người, trong khi đuôi Lân dài khoảng 2m và chỉ cần 2 người múa.

Với niềm say mê tạo hình linh vật, bất kể khi nào có cơ hội là anh Nguyễn Hưng lại dành cho Thiên Cẩu sự ưu ái nhất, để tạo tác, để giới thiệu và quảng bá về nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo này của Hội An. Đặc biệt là việc chế tác để tham dự các cuộc thi trong và ngoài nước.

Bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa Thiên Cẩu

Trong dịp Tết Trung thu này, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sẽ tổ chức Triển lãm bộ ảnh Nghệ thuật múa Thiên Cẩu ở Hội An.

Đây là hoạt động chào mừng sự kiện Hội An đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu.

Triển lãm lần này sẽ trưng bày 18 bức ảnh nghệ thuật tái hiện những giá trị đặc trưng nhất trong nghệ thuật biểu diễn, nghi lễ tín ngưỡng của múa Thiên Cẩu.

Trả lời Báo Lao Động, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An - cho biết: “Chỉ có duy nhất tại Hội An là còn giữ nguyên nét văn hóa múa Thiên Cẩu. Đây cũng là một trong những hoạt động góp phần giúp Tết Trung thu ở Hội An được xét công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, sau khi Tết Trung thu ở Hội An được đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia thì TP Hội An cũng sẽ triển khai đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Thiên Cẩu trong thời gian tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết