Khúc hát về nỗi đau và niềm hy vọng
Bằng cái nhìn, tình cảm, cách hành xử của người trong cuộc đồng hành và thấu trải, "Những ngọn khói về trời" của Bùi Phan Thảo có sự trĩu nặng, bay bổng của ngẫm suy, của đắng đót tình người, của hình tượng thơ nhiều ám gợi…
Thời nào cũng vậy, thơ thường là tiếng lòng của thi nhân trước những điều trông thấy. Mỗi biến cố lớn của đời sống, mỗi chấn động sâu xa trong tâm thức cộng đồng đều ít nhiều để lại dấu ấn trong thơ.
Đồng hành với đau thương
Đâu chỉ sự đơn lẻ, riêng biệt, thơ còn thực hiện sứ mạng kết nối, lan tỏa chân tâm. Nhà thơ, như thế, cũng là người thư ký trung thành của thời đại. "Những ngọn khói về trời", tập thơ vừa được Giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM năm 2022 của Bùi Phan Thảo, viết về những tổn thất, tang thương cùng bản lĩnh dân tộc trong "đại hồng thủy mang tên COVID-19", "cuốn trôi bao ước mơ, nhấn chìm bao số phận" là một minh chứng sống động cho thiên chức của thơ, của văn học hôm nay.
Nhà thơ Bùi Phan Thảo
Tự chọn ở phía nỗi đau, phía những người yếm thế, tác phẩm là sự dấn bước của thi nhân vào "những góc khuất tối tăm" của đời sống với những phận đời bé mọn "không có quyền lựa chọn" để chiêm nghiệm những mất còn, tang thương và hy vọng, hữu hạn và vô hạn... của nhân sinh.
Ký ức buồn đau hiện hình trong rưng rưng câu chữ
Lợi thế của trường ca là phản ánh những sự kiện lớn mang tầm thời đại với sự phối kết trữ tình và tự sự, sự linh hoạt trong triển diễn những điều mắt thấy tai nghe cùng những trăn trở, suy nghiệm cá nhân của tác giả.
Dịch bệnh để lại nỗi kinh hoàng trong từng góc phố, từng phận người. Đó là những ngày tháng "thành phố phong tỏa", "thành phố vắng hoe", thành phố "nằm đau", "thành phố bật cơn ho rũ rượi". Sang chấn nặng nề này sẽ khiến con người khó có thể nguôi quên.
Cảm giác người thơ dù đã nỗ lực tìm câu chữ để lột hiện chân thực khổ nạn này nhưng rồi cũng đành bất lực trước cảnh "khăn tang trắng từ đầu con phố/ nước mắt vòng quanh ra đến bờ kinh". Lòng người xao xác, thảng thốt, "nỗi lo hằn trên từng gương mặt". Đất trời, cảnh vật, con người bao đêm không ngủ, cùng chung một nỗi đau, chung một tấm lòng, cùng căng mình để vượt qua đại dịch.
Lời thơ cũng là lời thương khóc cho bao sinh linh đoản mệnh. Dường như Bùi Phan Thảo không làm thơ, anh chỉ đơn giản tái hiện nỗi lòng, cảnh ngộ, những nghĩa cử cao cả của con người ở thành phố mang tên Bác, của những gương mặt anh gần gụi, thương quý…
Bằng cái nhìn, tình cảm, cách hành xử của người trong cuộc đồng hành và thấu trải, tác phẩm như là một tường thuật bằng thơ, có sự cụ thể, chi tiết của sự kiện, có sự trĩu nặng, bay bổng của ngẫm suy, của đắng đót tình người, của hình tượng thơ nhiều ám gợi.
Nỗi đau về trời, niềm tin yêu gửi lại
Lẽ thường, vượt qua một sang chấn tâm lý nặng nề, con người thường có sự phản tỉnh để sống hợp lẽ hơn, nhân hậu hơn. Đến với "những trang đời viết lại giữa phù hoa/ bằng tiếng khóc/ bằng nụ cười/ bằng im lặng" này, ta càng hiểu hơn truyền thống tốt đẹp, bản lĩnh và sức mạnh dân tộc.
Ta biết thêm về miền đất phương Nam nhân nghĩa, thảo thơm, phóng khoáng, bao dung. Ta yêu thêm con người và quê hương xứ sở. Ta cùng chung một nỗi đau, chung một nguyện cầu… "Hãy mở ra khép lại với tình thương", chúng ta tin thông điệp tha thiết từ tập sách sẽ cộng hưởng và lan tỏa.
Bìa tập trường ca “Những ngọn khói về trời”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nổi bật trong trường ca là hình tượng "khói về trời" đầy ám ảnh. "Ngọn khói như dấu hỏi quẩn quanh/ rồi cũng tan vào hư vô thăm thẳm" nhưng để cho chúng ta tự đối diện với chính mình: "khi vào cuộc đua giành mạng sống cho người/ những toan tính thiệt hơn là chuyện xa xôi".
Bao thân xác đã hóa thành tro bụi, linh hồn hướng trời xanh để phiêu diêu và cũng để nhắc nhở nhân gian từ tầng cao siêu nhiệm. Mất mát hay yên bình, lìa xa hay vương vấn, thoáng chốc hay vĩnh cửu…, tất cả phụ thuộc vào tâm thế sống, cách hành xử của người ở lại để những người ra đi sẽ thanh thản, sẽ còn kết nối với cõi đời này.
Sự phối kết nhịp nhàng thể thơ tự do và lục bát tương ứng với tâm trạng của con người, cấu trúc hòa quyện giữa mạch sự kiện và dòng tâm trạng, giữa các chiều kích quá khứ - hiện tại - tương lai, mười khúc trong "Những ngọn khói về trời" tạo thành một bài ca đầy bi thương và chứa chan hy vọng, giàu tính thời sự nhưng cũng đằm địa, nhân văn. Trường ca nhắc nhớ nỗi đau, mất mát nhưng cũng nhắc nhớ ân tình, chia sẻ, thương yêu, sau trước.
Đọc tác phẩm, chúng ta thức nhận và thực thi lối sống "tri túc" giữa cõi đời; chúng ta thấu hiểu rằng sự tri ân, lòng nhân ái là thứ bất biến giữa dòng đời vạn biến, "như bông hoa bừng nở/ tỏa từ tâm lay tỉnh nỗi con người".
Đồng vọng những tiếng lòng
Văn học hôm nay rất cần những sáng tác viết về những đau thương, mất mát. Trang viết có tác dụng hàn gắn, chữa lành thương tật, sang chấn tinh thần, để con người sống an yên, ý nghĩa hơn. Nỗi đau rồi sẽ qua; "Những ngọn khói về trời" sẽ còn ở lại, nhắc nhớ mỗi người sống có trách nhiệm với cộng đồng, bản thân, biết cho đi để nhận về...
Vì những người đã khuất, người ở lại sẽ sống vị tha, trách nhiệm hơn, biết trân quý từng chút thời gian sống, biết làm cho cuộc sống ý vị hơn bằng những trang trải, yêu thương rất đỗi bình thường như mong mỏi của nhà thơ nhắn gửi qua tác phẩm nặng trĩu thương lo này: "rằng sao cuộc sống vô thường/ nên xin tiếp nối yêu thương cuộc đời".