Hàng loạt phim Việt thảm họa phủ sóng năm 2022
Nhiều phim Việt được đánh giá thảm họa, dở ra rạp trong năm 2022, doanh thu không cao, có phim chỉ thu dưới 1 tỉ đồng.
Tác phẩm thảm họa đầu tiên phải kể đến là "Huyền sử vua Đinh" của đạo diễn Anthony Võ. Phim kể lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, có yếu tố huyền sử.
"Huyền sử vua Đinh" được đánh giá có chất lượng thấp từ câu chuyện cho đến diễn viên, phục trang, kỹ xảo. Tất cả đều dưới trung bình và được khán giả nhận định chỉ để chiếu mạng (web-drama) hơn là tác phẩm điện ảnh chiếu rạp. Không ít khán giả Việt thích đề tài huyền sử, dã sử háo hức chờ đợi phim nhưng họ thất vọng. Theo thống kê của Box Office Việt Nam - trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ - phim đạt mức doanh thu thấp nhất so với các phim ra rạp năm 2022 với gần 43 triệu đồng.
Phim Việt "thảm họa" với doanh thu thấp nhất năm 2022
Phim "Virus cuồng loạn" cũng là phim thảm họa do Nguyễn Ngọc Nhất Duy làm đạo diễn. Tác phẩm đề cập một đoàn phim đang quay về đại dịch xác sống ở khu nghỉ dưỡng giữa chốn rừng núi hoang vu. Cả đoàn kinh hãi khi bất ngờ các thành viên trở thành xác sống thật do thực phẩm bẩn, độc hại. Những người chưa bị lây nhiễm virus xác sống nỗ lực sinh tồn, tìm đường đến sân bay, mong trở lại được thành phố, thoát khỏi tình cảnh khốn cùng.
Phim chỉ thu được hơn 157 triệu đồng
"Virus cuồng loạn" có kịch bản thiếu logic, tình tiết khó hiểu, nguyên nhân dẫn đến thảm kịch xác sống cũng chưa có sự lý giải thuyến phục. Tạo hình vốn quan trọng trong các phim sinh tồn nhưng trong "Virus cuồng loạn" không được chăm chút tỉ mỉ, không đạt hiệu ứng gây ấn tượng cho người xem. Phim thu chỉ được hơn 157 triệu đồng tại rạp, theo Box Office Việt Nam.
Phim "Ê ông già yêu ha" của đạo diễn Trần Thoại Chương cũng bị chê thảm họa bởi kịch bản nhàm chán, lối kể chuyện vụng về, tình tiết đơn giản. Phim thu 187 triệu đồng.
Phim "Trò chơi tử thần" là tác phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, do Kazuhisa Yusa đạo diễn. Phim bị chê từ kịch bản đến diễn xuất dù cố gắng quy tụ những diễn viên được khán giả trẻ yêu thích như Ngô Kiến Huy, Hoàng Yến Chibi… Với nội dung không logic, tình tiết nhạt nhẽo, phim ra rạp lặng lẽ và rời rạp với hơn 597 triệu đồng.
"Là mây trên bầu trời của ai" là tác phẩm nhiều sạn trong kịch bản, diễn xuất
Một phim bị chê dở khác là tác phẩm "Là mây trên bầu trời của ai", tác phẩm hợp tác Việt Nam - Thái lan do Thanadet Pradit đạo diễn. Nội dung kể về cô gái trẻ sinh ra trong gia tộc giàu có tên Mây (Ngọc Lan Vy đóng) say mê thần tượng Thái Lan là Park (Push Puttichai đóng). Nhân dịp sinh nhật, cô quyết tâm sang Thái Lan để gặp thần tượng nhưng không ngờ lại rơi vào nhiều tình huống bi hài tại đất nước này cùng với chàng trai chạy xe ôm Boy (August Vachiravit đóng).
Phim có kịch bản chưa tốt, mô-típ cũ, dễ đoán, nữ chính diễn xuất gượng gạo, rời rạp mang về doanh thu 514 triệu đồng.
Một loạt phim doanh thu không cao khác là "Những cô vợ hành động" với 420 triệu đồng, "Kẻ đào mồ" 538 triệu đồng, "Qua bển làm chi" hơn 939 triệu đồng, "Kẻ thứ ba" 962 triệu đồng, "Người tình" và "Mưu kế thượng lưu" doanh thu hơn 1 tỉ đồng, "578: Phát đạn của kẻ điên" hơn 3,5 tỉ đồng.
Trong danh sách phim thảm họa còn hai cái tên đạt doanh thu cao nhất là "Duyên ma" với 6,7 tỉ đồng và "Cù lao xác sống" với gần 13 tỉ đồng. Cả hai phim này đều có kịch bản vô lý, cũ kỹ, kỹ xảo chất lượng thấp, hời hợt nhiều khâu.
Cù lao xác sống là thảm họa của dòng phim xác sống Việt
Duyên ma cũ kỹ, hài nhảm, kịch bản thiếu hợp lý, không chinh phục được khán giả