• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên lên tiếng về việc bia di tích đặt nhầm chỗ

Liên quan đến thông tin bia di tích Đồi Bản Kéo không nằm trong di tích, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên khẳng định: Không thể có việc nhầm lẫn vị trí đặt bia di tích.

Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên lên tiếng về việc bia di tích đặt nhầm chỗ

Sau 3 ngày Báo Lao Động phản ánh về hình ảnh phản cảm tại điểm Di tích Đồi Bản Kéo, đến ngày 11.9 tấm bia vẫn chưa được di chuyển. Ảnh: Văn Thành Chương

Không có việc dựng bia di tích ở ngoài di tích

Khi Báo Lao Động xác minh thông tin phản ánh về việc Di tích Đồi Bản Kéo thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đang bị xâm hại, phóng viên đã ghi nhận nhiều hình ảnh tan hoang bên cạnh các tấm bia di tích đã tồn tại từ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đạo - Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên - lại khẳng định, cả quả đồi này và các hạng mục di tích được xây dựng tại đây từ nhiều năm qua không thuộc di tích Đồi Bản Kéo.

Theo ông Đạo, khu vực quy hoạch di tích cách vị trí đặt tấm bia di tích Đồi Bản Kéo gần 200m. Về việc đặt bia di tích và xây dựng các công trình phục vụ khách tham quan từ nhiều năm qua, ông Đạo cho rằng: “Có thể giai đoạn trước cơ quan chức năng xác định sai tọa độ".

Để rộng đường dư luận, ngày 11.9, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Minh Phú - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Điện Biên - về vấn đề này.

Ông Nguyễn Minh Phú khẳng định, không thể nói khu vực đang có các công trình hiện hữu không phải là di tích vì di tích Đồi Bản Kéo vốn rất rộng và có tất cả 4 điểm chứ không phải chỉ có 1 điểm.

Sơ đồ các cứ điểm tại lòng chảo Điện Biên của quân đội Pháp. Ảnh tư liệu

Sơ đồ các cứ điểm tại lòng chảo Điện Biên của quân đội Pháp năm 1954. Ảnh tư liệu

Theo ông Phú, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, cả lòng chảo Điện Biên đều được coi là di tích chiến trường. Sau này do yêu cầu thực tế của cuộc sống và để phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương nên các điểm di tích quan trọng đã được khoanh vùng bảo vệ trong một phạm vi nhất định.

Theo quy hoạch đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt và công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ thì di tích Đồi Bản Kéo cũng chỉ còn được khoanh vùng tại 1 điểm với diện tích nhất định. Do đó, điểm Đồi Bản Kéo đang có các công trình hiện hữu (bia di tích và các công trình phục vụ tham quan) hiện không nằm trong quy hoạch, bảo vệ.

"Tuy vậy, không thể nói đó không phải là điểm di tích hay là trước đây đặt bia ở đây do xác định sai tọa độ" - Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên khẳng định.

Bia di tích Đồi Bản Kéo mới được Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên sửa chữa tôn tạo vào năm 2022. Ảnh: Văn Thành Chương

Bia di tích Đồi Bản Kéo mới được Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên sửa chữa tôn tạo vào năm 2022. Ảnh: Văn Thành Chương

Cần tôn trọng các giá trị lịch sử

Trước đó, ngày 9.9, Báo Lao Động đã có bài "Xác minh việc Di tích Quốc gia đặc biệt ở Điện Biên bị xâm hại". Theo phản ánh của nhiều người dân, điểm di tích Đồi Bản Kéo thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt đang bị đơn vị thi công Dự án đường tránh Sân bay Điện Biên đào xới, xâm hại nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay dưới chân đồi một tấm bia bị đào xới tan hoang tạo nên hình ảnh khá phản cảm, trong khi hằng ngày có hàng trăm lượt người dân qua lại.

Sườn đồi phía Nam đang bị các phương tiện, thiết bị đào xới để thi công Dự án đường tránh Sân bay Điện Biên. Tấm bia di tích được đặt trên đỉnh Đồi Bản Kéo chỉ còn cách vị trí đào chưa đầy 10m.

Di tích Đồi Bản Kéo hiện tại nằm ở phía Bắc Sân bay Điện Biên. Ảnh chụp từ Google Maps

Di tích Đồi Bản Kéo hiện tại nằm ở phía Bắc Sân bay Điện Biên. Ảnh chụp từ Google Maps

Ngay sau khi thông tin trên được đưa ra đã khiến dư luận có nhiều ý kiến không đồng thuận và cho rằng, đại diện Ban quản lý di tích trả lời như vậy là không thỏa đáng và không đúng với lịch sử.

Một người có gần 40 năm công tác trong ngành văn hóa, đồng thời là chủ biên của nhiều cuốn sách về di tích và lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ cũng khẳng định: Di tích Đồi Bản Kéo có 4 điểm, tại điểm số 2 (Anne Marie 2) là 1 dải đồi thấp kéo dài hình cánh cung.

"Nếu điểm đặt bia di tích không còn nằm trong quy hoạch khoanh vùng bảo vệ thì cũng cần phải được di chuyển hoặc bảo quản chứ không nên để tan hoang, thành "phế tích" như người dân và báo chí phản ánh" - vị này nêu quan điểm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết