• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị văn hóa lịch sử cách mạng – Thế mạnh và khả năng khai thác để phát triển du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc

Giá trị văn hóa lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và khai thác thế mạnh các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng trên địa bàn các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc ngày nay là vấn đề quan trọng, đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vì vậy, việc khai thác tiềm năng, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh để xây dựng sản phẩm đặc thù phục vụ phát triển du lịch các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc là vấn đề cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Chiến khu Việt Bắc nhanh, bền vững.

Ảnh minh họa - TL

1. Thực trạng tiềm năng, thế mạnh, các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng trên địa bàn vùng Chiến khu Việt Bắc

Các tỉnh Vùng Chiến khu Việt Bắc có tổng diện tích tự nhiên là 37.204,39km2, dân số là 4.576.141 người (năm 2020). Việt Bắc bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang. Nơi đây, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là Chiến khu Việt Bắc được gọi là Thủ đô kháng chiến của Việt Nam; là căn cứ địa cách mạng, khu ATK, nơi có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại; là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta trong suốt 9 năm dòng kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Đây là khu vực giàu tiềm năng, thế mạnh, có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giá trị văn hóa lịch sử cách mạng.

Điểm lại những tiềm năng, thế mạnh, các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng trên địa bàn vùng Chiến khu Việt Bắc, chúng ta có thể thấy: ngày càng làm cho bộ mặt văn hóa các tỉnh Việt Bắc thêm đậm đà bản sắc dân tộc, niềm tự hào về một vùng đất lịch sử địa linh nhân kiệt của dân tộc Việt Nam. Vùng Chiến khu Việt Bắc có nhiều danh lam, thắng cảnh mang đặc điểm của địa hình vừa là rừng núi vừa là trung du, phù hợp cho hoạt động du lịch tham quan các di tích lịch sử cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, du lịch tâm linh,…. Nơi đây có nhiều hang động tuyệt đẹp, như ATK, hang Pắc Pó, ATK Tân Trào Tuyên Quang, động Ngườm Ngao (tỉnh Cao Bằng)...; có mạng lưới sông, suối khá dày đặc với cảnh quan đẹp, như sông Kỳ Cùng, sông Thương (tỉnh Lạng Sơn); sông Nho Quế, Lũng Cầm (tỉnh Hà Giang)...; ATK Định Hóa Thái Nguyên…. Ngoài ra còn có các danh lam thắng cảnh huyền bí đẹp như: hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên), hồ Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn)...; có nước khoáng, nước nóng có khả năng sử dụng làm nước uống, chữa bệnh và phục vụ phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp phục hồi sức khỏe. Các hệ sinh thái ở đây rất đa dạng và phong phú, tập trung chủ yếu ở các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, có ý nghĩa về khoa học, kinh tế, giáo dục môi trường và đặc biệt có ý nghĩa cho việc khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, như các vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), Phia Oắc - Phia Đén (tỉnh Cao Bằng)...; các khu bảo tồn thiên nhiên như Hữu Liên (tỉnh Lạng Sơn); Kim Hỷ (tỉnh Bắc Kạn); Thần Sa - Phượng Hoàng (tỉnh Thái Nguyên); các khu bảo tồn loài - sinh cảnh như khu bảo tồn loài vượn Cao Vít Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng)...

Các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng trên địa bàn vùng Chiến khu Việt Bắc là sản phẩm vật chất (công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị văn hóa lịch sử cách mạng, khoa học), nhưng cũng luôn chứa đựng yếu tố phi vật thể, thể hiện sức sáng tạo, đời sống tinh thần, tâm linh của thế hệ trước lưu truyền cho thế hệ sau. Vì vậy, bảo tồn, phát huy các các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước; không chỉ nhằm giữ gìn sản phẩm vật chất mà còn góp phần làm cho di sản văn hóa phi vật thể phát huy giá trị tinh thần trong việc giáo dục, nuôi dưỡng, lưu truyền truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa dân tộc.

 Thực tiễn cho thấy một số sản phẩm du lịch Chiến khu Việt Bắc thời gian qua đã mang lại những kết quả nhất định: Góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử cách mạng, đưa các tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc trở thành cầu nối quan trọng kết nối các chương trình du lịch về Chiến khu Việt Bắc và cả nước gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước; bảo tồn di tích lịch sử cách mạng với bảo vệ môi trường thiên nhiên các tỉnh Chiến khu Việt Bắc.

 Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được về phát phát huy tiềm năng, thế mạnh các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng để triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc vẫn còn hạn chế, cả về liên kết ngành trong cùng một tỉnh, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, ngoại vùng và liên kết trong khu vực và quốc tế. Mặc dù một số địa phương trong vùng đã tích cực và chủ động tìm giải pháp để tổ chức, phối hợp thực hiện các ý tưởng về phát huy thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương; nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay  các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc vẫn chưa phát huy hết thế mạnh tiềm năng của các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng để phát triển du lịch trở thành mũi nhọn của phát triển kinh tế nhanh và bền vững như mong muốn.

2. Định hướng và giải pháp du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc

Ngày nay, du lịch về các tỉnh Vùng Chiến khu Việt Bắc đã thực sự trở thành khát vọng và niềm mong đợi của sứ giả hòa bình hữu nghị, đoàn kết giữa các dân tộc và các quốc gia trong khu vực và thế giới. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính xã hội hóa cao và ngày càng có vai trò to lớn trong xu thế toàn cầu hóa, khu vực và hội nhập kinh tế quốc tế. Du lịch về với các tỉnh, thành phố vùng Chiến khu Việt Bắc, nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, có nhiều di tích lịch sử cách mạng; được bảo tồn, phát triển trong điều kiện hòa bình, hợp tác, nhu cầu về du lịch trong nước và quốc tế đến các địa danh - những di tịch lịch sử, di sản văn hóa ngày càng tạo ra cho liên kết du lịch Chiến khu Việt Bắc phát triển theo hướng bền vững, với chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường và giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đất nước Việt Nam lại có nhiều danh lam, thắng cảnh gắn liền với tên núi, tên sông và những di tích-địa danh lịch sử cách mạng, nhiều di sản văn hóa mới và môi trường, thiên nhiên được UNESCO công nhận, đó là tiềm năng, thế mạnh và tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, là những yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc phát triển nhanh và bền vững.

Cùng hòa trong dòng chảy xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, trường tồn, các địa danh - những giá trị văn hóa lịch sử cách mạng, di sản văn hóa có vị trí, ‎nghĩa, vai trò rất quan trọng, là những nơi quân và dân ta đã từng đụng đầu lịch sử với quân xâm lược để bảo vệ Tổ quốc. Sự hy sinh xương máu của quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh đã ghi lại những dấu son lịch sử chói lọi, mỗi địa danh, tên đất, tên làng đều gắn liền với di tích lịch sử của cuộc chiến tranh cách mạng. Có thể nói mỗi địa danh lịch sử ấy đều như một chứng tích của chiến tranh chứng kiến cuộc chiến tranh bền bỉ, anh hùng của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Ngày nay, gắn giữ gìn, bảo tồn những di tịch lịch sử, di sản văn hóa, những địa danh lịch sử chiến tranh cách mạng đã đi vào lịch sử của dân tộc là tiềm thức của nhân loại và là nỗi đau thương mất mát, là khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của nhân dân Việt Nam. Để phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc ngày càng đi vào hiện thực, hoạt động có hiệu quả, theo chúng tôi cần quan tâm thực hiện tốt một số định hướng -giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, tăng cường công tác liên kết, kết hợp xúc tiến, đầu tư du lịch cá tỉnh vùng Chiến khu Việt bắc. Đây vừa là định hướng vừa là giải pháp cơ bản nhằm tăng cường công tác liên kết, kết hợp xúc tiến, đầu tư du lịch các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc. Theo đó đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin; đặc biệt là những giá trị văn hóa lịch sử, các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng và những di sản văn hóa nổi bật của các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc. Nhất là những địa danh lịch sử đã chứng minh rất rõ tác động của yếu tố du lịch thăm quan, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái,… tới tâm lý chung của du khách trong nước và quốc tế. Đây là bài học điển hình về phương pháp xây dựng một sản phẩm du lịch văn hóa các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc có giá trị từ những giá trị văn hóa di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Ngoài những di tích nguyên gốc, cần tạo dựng ở đây nhiều loại hình dịch vụ kèm theo, đặc biệt là những địa danh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như: lán Nà Lừa Tuyên Quang, Khu ATK, Suối Lê-nin, hang Pắc Bó Cao Bằng,...  Đây là những di tích lịch sử có giá trị, là sự đột phá trong khát vọng đạt được của những du khách để không ngững phát huy giá trị di sản văn hóa các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc.

Hai là, bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử-địa danh lịch sử chiến tranh cách mạng; kết hợp chặt chẽ với những tour du lịch về các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc và những tour du lịch khác kết nối với các tỉnh, thành phố, các địa danh lịch sử trong vùng, các di sản văn hóa lịch sử; đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ và khả năng linh hoạt trong việc vận dụng các nguyên tắc khoa học để lựa chọn phương án, xử lý thích hợp cho từng di tích lịch sử cụ thể. Mục tiêu đặt ra là phải gắn di tích lịch sử chiến tranh cách mạng trên phạm vi từng vùng, miền và cả nước với đời sống đương đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa, củng cố quốc phòng-an ninh trong quá trình hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Ba là, để các tour du lịch thật sự trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn cần mở rộng liên kết với các loại hình hoạt động du lịch với các loại hình du lịch khác nhau. Cần xây dựng đề án xúc tiến đầu tư du lịch chung theo từng giai đoạn cụ thể, nhằm tuyên truyền quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố vùng Chiến khu Việt Bắc và tổ chức tiếp thị đúng thị trường để thu hút du khách. Cần những chính sách khuyến khích, ưu đãi, đầu tư các cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch các tỉnh vùng Chiến khu Việt bắc trên cơ sở xã hội hóa ngành du lịch, bằng nhiều hình thức huy động vốn; Vốn ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, vốn tín dụng ưu đãi, liên doanh, liên kết, tham gia cổ phần, tư nhân đầu tư, hỗ trợ tạo cơ chế thông thoáng kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch thương mại, xúc tiến đầu tư, nhằm tăng cường cơ sở vật chát kỹ thuật cho phát triển các tour du lịch và lưu giữ khách du lịch đến các tour du lịch trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Bốn là, tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực du lịch (đội ngũ hướng dẫn viên) nguồn nhân lực có trình độ cao và kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành giỏi là yếu tố quyết định sự thành công đối với sự phát triển hoạt động du lịch của các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc. Cùng với đó, tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các du khách du lịch, nhất là thủ tục qua cửa khẩu, kiểm tra hộ chiếu, bến tầu, bến xe,  đối với khách nước ngoài khi đến lưu trú tại các địa điểm du lịch ở Việt Nam.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Ngành Du lịch các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc, ngoài việc đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lục chất lượng cao, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải có cơ chế, chính sách, có sự đầu tư và được Tổng Cục du lịch ra quyết định trách nhiệm rõ ràng. Bởi vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên Ngành Du lịch của các tỉnh Chiến khu Việt Bắc là vấn đề rất quan trọng và then chốt. Cần tiếp tục đổi mới, trẻ hóa đội ngũ làm công tác du lịch, nâng cao khả năng thực tế, nghệ thuật giao tiếp phục vụ, kiến thức hiểu biết trong ngành, nghề du lịch, tạo được một đội ngũ có trình độ, có khả năng, và tay nghề cao trong hoạt động du lịch, đáp ứng lâu dài trong hoạt động du lịch của các tỉnh Chiến khu Việt Bắc.

Tiềm năng, lợi thế và những tiềm ẩn trong du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc, nhưng để biến những tiềm năng, lợi thế ấy thực sự trở thành hiện thực là vấn đề cần bàn và nghiên cứu toàn diện; các cấp từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc; Tổng Công ty Du lịch Việt Nam và các đối tác cần đầu tư và tập trung nguồn lực cho xây dựng và phát triển, gắn giữ gìn bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, di sản văn hóa với liên kết du lịch các tỉnh vùng Chiến khu Việt bắc.

Từ những tiềm năng, thế mạnh của các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng của các tỉnh vùng Chiến khu Việt bắc, có thể khẳng định liên kết phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc có khả năng phát triển nhanh và bền vững, phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc, đồng thời có những mục đích phát triển du lịch Việt Nam thành Ngành du lịch kinh tế mũi nhọn. Với những tiềm năng đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn gần hai mươi năm phát triển. Du lịch các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc đã chuyển mình phát triển, nhiều giá trị tài nguyên du lịch đã và đang được khám phá, được đánh giá cao bởi thị trường, thu hút số lượng lớn khách tham quan, trải nghiệm. Du lịch Chiến khu Việt Bắc có khả năng khai thác một thị trường khách riêng biệt và không nhỏ, có thể phát triển đưa đến những giá trị tốt đẹp cho định hướng và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc./.

Đại tá, PGS. TS. KHQS TRẦN NAM CHUÂN

Phó Giám đốc Quỹ Du lịch Hoài niệm Chiến trường xưa và đồng đội

...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết