• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề nghị đưa lễ hội “Chợ choảng nhau” là di sản phi vật thể

Thanh Hóa – Chính quyền địa phương vừa có đề nghị đưa lễ hội Chợ Chuộng (chợ choảng nhau) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 10.3, thông tin từ UBND xã Đông Hoàng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa có văn bản đề xuất đến UBND thành phố về việc đưa lễ hội Chợ Chuộng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phiên Chợ Chuộng “chợ choảng nhau” ngày Mùng 6 Tết năm 2025. Ảnh: Quách Du

Phiên Chợ Chuộng “chợ choảng nhau” ngày mùng 6 Tết năm 2025. Ảnh: Quách Du

Theo UBND xã Đông Hoàng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa tại buổi làm việc ngày 20.2.2025 về việc bảo tồn, phát huy giá trị và đề xuất công nhận lễ hội Chợ Chuộng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Chợ Chuộng, hay còn gọi là Chợ Mùng Sáu, được tổ chức duy nhất vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, tại khu vực bãi bồi ven sông Hoàng (thuộc thôn Chùy Lạc Giang, xã Đông Hoàng, TP Thanh Hóa).

Để tạo điều kiện cho nhân dân đến phiên chợ, chính quyền địa phương đã cho dựng tạm một cây cầu tre nối giữa TP Thanh Hóa và huyện Triệu Sơn. Ngay từ sáng sớm ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, già trẻ, gái trai nô nức kéo về triền đê ven sông Hoàng để “mua may, bán rủi”.

Phiên chợ ném nhau loạn xạ bằng cà chua...để cầu may. Ảnh: Quách Du

Phiên chợ ném nhau loạn xạ bằng cà chua... để cầu may. Ảnh: Quách Du

Mặt hàng chủ yếu ở Chợ Chuộng là đồ ăn dân dã, trong đó không thể thiếu cà chua, bánh đa và trứng gà. Người dân đến chợ dù không quen biết nhau nhưng hễ gặp là họ “choảng nhau” bằng cà chua, trứng...

Mặc dù bị ném cà chua vào người, ai cũng cười tươi vì theo quan niệm của người dân nơi đây, càng bị ném nhiều thì năm đó càng gặp may mắn.

Theo các cụ cao niên trong làng, phiên chợ này có từ thời nhà Lê. Tương truyền, vào mùng 6 Tết, một vị tướng bị giặc truy đuổi chạy qua đây. Để tránh bị phát hiện, ông ra lệnh cho quân lính cùng dân làng họp chợ. Khi quân địch đến, thấy chỉ là một phiên chợ quê bình thường nên lơ là cảnh giác. Đến lúc vị tướng phát lệnh tấn công, quân địch bị bất ngờ, không kịp trở tay và bị đánh tan tác. Để tưởng nhớ công lao vị tướng, cứ vào ngày mùng 6 Tết, người dân lại nô nức đến đây họp chợ, tạo nên một nét đẹp văn hóa địa phương.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội Chợ Chuộng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, UBND xã Đông Hoàng đề nghị UBND TP Thanh Hóa, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin xem xét, trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp lập hồ sơ đưa lễ hội Chợ Chuộng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...