• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cục Di sản văn hóa quản lý cứng nhắc, máy móc cũng đi ngược tinh thần UNESCO

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động, GS.TS Bùi Quang Thanh - Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho rằng, các cơ quan nhà nước quản lý về văn hóa cần linh hoạt trong quan điểm, góc nhìn về “trình diễn di sản”.

Cục Di sản văn hóa quản lý cứng nhắc, máy móc cũng đi ngược tinh thần UNESCO

Một nghệ nhân tham gia trình diễn tại diễn đàn Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt diễn ra hồi tháng 12.2022. Ảnh: Ban tổ chức

GS.TS Bùi Quang Thanh là một trong những nhà khoa học đã tham gia quá trình xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trình lên UNESCO, để năm 2016, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO xét duyệt ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với GS.TS Bùi Quang Thanh xoay quanh những tranh cãi nảy sinh từ vụ tổ chức biểu diễn hầu đồng - một nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - tại hội thảo khoa học ở Thừa Thiên Huế và câu chuyện về quản lý di sản giữa bối cảnh Việt Nam đang bàn về công nghiệp hóa văn hóa.

Liên quan đến văn bản của Cục Di sản văn hóa “nhắc nhở” Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã thổi bùng lên những tranh cãi xoay quanh việc các thanh đồng, nghệ nhân - những chủ thể thực hành của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - có được tham gia “trình diễn di sản” trên sân khấu một cuộc hội thảo hay không, ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về những tranh cãi này?

- Tôi có theo dõi và đọc nhiều ý kiến tranh luận suốt mấy ngày nay. Quan điểm của tôi cho rằng, các cấp quản lý nhà nước về văn hóa di sản nên tiếp cận, nhìn nhận về di sản phi vật thể nói chung, trong đó có di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng, trên tính vận động, phát triển của đời sống, thay vì tiếp cận di sản ở tính “tĩnh”.

Tôi lấy đơn cử về dân ca quan họ Bắc Ninh, trước đây, các liền anh liền chị hát quan họ biểu diễn rất khác bây giờ, họ hát giao lưu, hát canh, hát đối đáp giữa các “bọn” quan họ với nhau trong phạm vi không gian hẹp và không có nhạc cụ.

Sau này, quan họ được các nghệ nhân và các nghệ sĩ trình diễn ở rất nhiều bối cảnh khác nhau, ở quảng trường, ở những sân khấu lớn, nơi cần đến sự khuếch đại âm thanh, quan họ đã phải có thêm nhạc cụ, có sự hỗ trợ của loa đài, tăng âm...

Đời sống luôn luôn vận động và phát triển không ngừng. Kéo theo nhiều sự biến đổi khác, trong nhận thức.

Tôi luôn ủng hộ việc, “thực hành tín ngưỡng” phải diễn ra trong không gian tín ngưỡng, tức là không gian thiêng (đền, phủ, điện). Việc bảo tồn di sản phải thực hành trong không gian thiêng.

Thế nhưng, ngoài bảo tồn, bảo vệ di sản, chúng ta cũng còn phải quảng bá di sản, đó cũng là công việc, thậm chí là nhiệm vụ quan trọng không kém.

Việc có những hoạt động “trình diễn di sản” để quảng bá di sản đến với số đông công chúng là cần thiết. Và với những hoạt động này, các cấp quản lý nên có cái nhìn linh hoạt, không nên cứng nhắc, máy móc.

GS.TS Bùi Quang Thanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

GS.TS Bùi Quang Thanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cục Di sản văn hóa viện dẫn Luật Di sản, Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, các nguyên tắc đạo đức đối với bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO để cho rằng, đưa các thành tố của di sản tín ngưỡng (như khăn áo) và chủ thể thực hành di sản (là các nghệ nhân, thanh đồng) ra ngoài không gian di sản là giải thiêng di sản. Quan điểm của ông về việc này?

- Trong quá trình tham gia xây dựng hồ sơ di sản cho Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, tôi đã có nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu nên tôi rất rõ việc này.

Tôi cho rằng, nghệ nhân thực hành di sản nên được hiểu theo nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa rộng, nghĩa hẹp.

Theo đó, nghệ nhân, thanh đồng thường phải có “căn đồng” mới có thể thực hiện nghi lễ hầu đồng. Nếu đưa diễn viên lên sân khấu biểu diễn, họ chỉ nhập vai, hóa thân thành một nghệ nhân “có căn”. Làm sao diễn viên có thể trở thành người “có căn” được? Trong quá trình thực hiện, diễn viên làm sai thao tác thì sao?

Sử dụng diễn viên biểu diễn, nhưng diễn viên vẫn hóa trang, hành động, thực hiện như một thanh đồng. Ở vị trí khán giả phổ thông rất khó để phân biệt được, đâu là thanh đồng, đâu là diễn viên. Diễn viên nếu có “căn đồng” vẫn có thể là một thanh đồng, một thanh đồng cũng có thể là một diễn viên.

Cho nên, diễn viên hay thanh đồng không phải là tiêu chí để đồng ý, hay không đồng ý để đưa lên sân khấu. Không nên viện dẫn luật một cách máy móc. Nên linh hoạt xem xét hoạt động “trình diễn di sản”, “diễn giải di sản” trong tùy từng hoàn cảnh, bối cảnh, mục đích cụ thể.

Trở lại vụ biểu diễn hầu đồng ở Huế, nếu như Huế tổ chức hầu đồng vì mục đích kinh doanh, vụ lợi, kiếm tiền thì đúng là cần nhắc nhở, hoặc xử phạt.

Xét trong quy mô một hội thảo khoa học quốc tế, thành phần tham gia chủ yếu là các nhà khoa học, giới nghiên cứu, khách quốc tế, việc các nghệ nhân, thanh đồng tham gia chỉ với mục đích diễn giải về di sản - tôi cho là có thể chấp nhận được.

Ở các ý kiến phản biện của chiều ngược lại, họ cho rằng, nếu để các chủ thể thực hành di sản tín ngưỡng rời khỏi “không gian thiêng”, hay đưa “áo thánh” lên sân khấu không chỉ làm “sai lệch di sản”, còn dẫn đến “loạn” trong quản lý di sản. Ông nghĩ như thế nào về việc này?

- Tôi thấy, thực tế đã chứng minh, nhiều khi các cấp quản lý không quản lý nổi là ra lệnh cấm.

Như tôi đã nói, đời sống, thời đại vận động không ngừng, phải xem xét mọi việc trên “thế động”, không phải “thế tĩnh”. Chúng ta đang bàn về công nghiệp văn hóa, tức là, nơi bản sắc dân tộc càng phải được lan tỏa, được bước ra thế giới.

Các cấp quản lý văn hóa nhà nước nên có cái nhìn thoáng rộng hơn. Nếu chỉ nhận biết luật một cách cứng nhắc, máy móc sẽ khiến di sản bị xơ cứng hóa, mất đi sự sáng tạo.

Và, hơn thế, quản lý di sản cứng nhắc, không cẩn thận cũng vi phạm tinh thần của UNESCO. UNESCO đã khuyến cáo, phải đảm bảo được tính đa dạng trong thống nhất của văn hóa di sản.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều tỉnh thành, thậm chí “lan” sang một số dân tộc khác nhau. Thực tế cho thấy, cùng là thực hành nghi lễ hát văn - hầu đồng nhưng mỗi nơi lại mang đặc tính riêng, người ở châu thổ Bắc Bộ hầu khác, người Huế hầu khác… Không gian thực hành nghi lễ cũng đã mở rộng.

Di sản tín ngưỡng đã phát triển không ngừng theo thời cuộc và biến động theo nhu cầu đời sống, trong khi các cấp quản lý dường như vẫn chỉ đạo trên những bộ luật đứng im.

Đối với văn hóa dân gian nói chung và sinh hoạt tín ngưỡng nói riêng, không có chuyện đúng - sai, mà chỉ có chuyện hợp lý hoặc không hợp lý mà thôi!

Nhiều nhà khoa học cho rằng, quảng bá di sản cũng là công việc quan trọng không kém việc bảo tồn di sản. Ảnh trong vở “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú

Nhiều nhà khoa học cho rằng, quảng bá di sản cũng là công việc quan trọng không kém việc bảo tồn di sản. Ảnh trong vở “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú.

Vậy theo ông, cách quản lý di sản tín ngưỡng như thế nào để hợp lý?

- Theo tôi, các nhà quản lý cần nhìn vào tính vận động của đời sống, của sự phát triển, lan rộng mạnh mẽ với những đặc tính khác nhau của di sản tín ngưỡng suốt những năm qua để xây dựng các văn bản chính sách, chỉ đạo kịp thời, phù hợp với xu hướng phát triển .

Nhìn vào thực tiễn ấy, họ sẽ thấy rằng, họ không thể dùng lý trí hay điều luật để ngăn chặn được sự phát triển đa dạng của văn hóa tín ngưỡng.

Điều luật hay bất kỳ văn bản nào cũng phải được bắt đầu từ thực tiễn. Thực tiễn là thước đo và kiểm nghiệm các chính sách. Các cấp quản lý phải hiểu, chúng ta cần đo chân để đóng giày, chứ không thể gọt chân để đi vừa giày. Cơ quan quản lý di sản cần phải nhận thức được thực tiễn để đóng giày cho vừa chân cộng đồng.

Để không “loạn”, thì ngoài các bộ luật, còn cần thêm các văn bản dưới luật đưa ra tiêu chí, định hướng đúng với tình hình thực tiễn, để từ đó chỉ đạo đúng hướng.

Cách để có thể xây dựng những thông tư, văn bản dưới luật bám sát thực tiễn để quản lý di sản tín ngưỡng đúng hướng, theo ông?

- Đó là cần đến sự đồng thuận của 3 nhóm đối tượng: Các nhà quản lý, cộng đồng dân chúng và các nhà khoa học. Nếu luật chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng, chắc chắn sẽ bị thiên lệch.

Trong những ngày qua, phóng viên Lao Động có thực hiện loạt bài phỏng vấn, trao đổi với nhiều giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học hàng đầu chuyên ngành văn hóa di sản xoay quanh những tranh cãi về quản lý di sản sau vụ việc về buổi trình diễn hầu đồng trong khuôn khổ hội thảo khoa học tại Thừa Thiên Huế.

Chiều 20.8, trong cuộc điện thoại với báo Lao Động, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho rằng, các bài viết phỏng vấn lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về di sản đăng trên Báo Lao Động đã đưa ra những thông tin "cổ súy" cho những việc làm sai trong xã hội, đi ngược với tư duy quản lý của Cục.

Bà Hiền khẳng định, Cục Di sản văn hóa không cổ vũ và không đưa ra quy định về "trình diễn di sản" vì những việc làm này làm sai lệch di sản.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Lao Động, các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ nhiều năm nghiên cứu về di sản đều mong muốn có thêm các hoạt động "trình diễn, diễn giải di sản" như hội thảo quốc tế, để giới thiệu di sản ra thế giới, và lan tỏa di sản trong cộng đồng.

GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, từng tham gia soạn thảo Luật Di sản - cho biết: “Đừng viện dẫn luật một cách cứng nhắc. Cơ quan quản lý không phải lúc nào cũng đúng, việc lắng nghe đề điều chỉnh phù hợp với thực tiễn phát triển là cần thiết. Vụ hồ sơ di sản về lễ giỗ bà Phi Yến từng có những sai sót đó thôi?”.

GS.TS Bùi Quang Thanh - một trong những nhà khoa học từng tham gia xây dựng hồ sơ di sản cho Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trình UNESCO - nói: “Di sản tín ngưỡng đã phát triển không ngừng theo thời cuộc và biến động theo nhu cầu đời sống, trong khi các cấp quản lý dường như vẫn chỉ đạo trên những bộ luật đứng im”.

TS. Frank Proschan - giảng viên thỉnh giảng về Đời sống dân gian và di sản văn hoá tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - khẳng định: “Di sản thuộc về cộng đồng”.

Theo đó, các chuyên gia nghiên cứu nhiều năm về di sản cũng cho rằng, cộng đồng chủ thể thực hành của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ gồm nhiều cộng đồng khác nhau, trong đó, có cộng đồng chủ thể chỉ thực hành tín ngưỡng ở không gian thiêng, nhưng cũng có những cộng đồng chủ thể mong muốn được trình diễn, giới thiệu về di sản của họ ở những nơi như hội thảo quốc tế. Vậy, tại sao, Cục Di sản văn hóa lại chỉ ủng hộ một cộng đồng và “tuýt còi” với cộng đồng khác?


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết