Bước vào công nghiệp văn hóa: Sân khấu lỡ "chuyến tàu đầu tiên"?
Bề dày hình thành và phát triển đến giờ được tính đến trên trăm năm nên sân khấu nước nhà đương nhiên đã tích lũy vô vàn tác phẩm của các loại hình.
Nhà hát Múa rối Thăng Long là đơn vị tổ chức biểu diễn hiệu quả cho khách du lịch trong nhiều năm qua. |
Trong công cuộc phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô, sân khấu là lĩnh vực có nhiều tiềm năng khi sở hữu cả kho tàng tác phẩm được gầy dựng từ bao thế hệ và lực lượng nghệ sĩ đông đảo, tâm huyết với nghề.
Vậy nhưng, vì chưa tích cực chuyển mình bước tới và chủ động khai thác tiềm năng một cách bài bản, quyết liệt, hiệu quả nên dường như sân khấu đang lỡ “chuyến tàu đầu tiên” trong tiến trình của công cuộc này.
Kho tàng vô giá
Bề dày hình thành và phát triển đến giờ được tính đến trên trăm năm nên sân khấu nước nhà đương nhiên đã tích lũy vô vàn tác phẩm của các loại hình: Chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, ca kịch… Trong đó, riêng đất Thăng Long ngàn năm, với sự đứng chân của nhiều đơn vị nghệ thuật Trung ương và Hà Nội với đủ các loại hình đã đóng góp không ít vở diễn xuất sắc, được nhiều thế hệ khán giả mến mộ, nhắc nhớ.
“Hà Nội nên sớm ban hành những chính sách thu hút mạnh thường quân đầu tư vào sân khấu; có chính sách khuyến khích liên doanh, liên kết trong khâu quảng bá, tổ chức biểu diễn”. Tác giả, NSƯT Trịnh Quang Khanh
Đó là tầng tầng, lớp lớp những vở kịch hát tỏa sáng hồn dân tộc, có thể kể đến: “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Kim Nham”, “Nàng Si ta”… (chèo); “Sơn Hậu”, “Võ Tam Tư chém cáo”, “Mục Quế Anh dâng cây, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, “Tình mẹ”… (tuồng); “Lan và Điệp”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Vua Thánh triều Lê”, “Đứng giữa trời xanh”, “Vú cát”,... (cải lương).
Hoặc như hàng ngàn vở kịch nói là những phản biện và dự báo sâu sắc về đời sống xã hội, như: “Vũ Như Tô”, “Lệ Chi viên”, “Tôi và chúng ta”, “Hồn Trương Ba – da hàng thịt”, “Nhân danh công lý”, “Quẫn”, “Bạch đàn liễu”, “Đợi đến mùa Xuân”…
Kho tàng đó được nhiều thế hệ nghệ sĩ gìn giữ, tiếp nối, bồi đắp phục vụ nhân dân suốt hơn trăm năm qua. Vẫn còn đó những niềm vui của các đào, kép nấp nom sau cánh gà khi nhìn xuống khán phòng thấy người tới thưởng thức vở diễn chật cả lối đi. Và cả những khi khán giả xếp hàng trước cửa rạp hát để mua vé cho suất diễn mãi tuần sau mới mở màn.
“Chúng tôi diễn 3 đến 4 suất trong suốt cả tuần, thậm chí cả tháng. Ăn – ngủ ngay tại rạp hát, nhiều khi mệt đến kiệt sức. Thế nhưng, bao nhiêu mệt mỏi liền nhanh chóng tiêu tan khi cánh gà mở ra và nghệ sĩ nhận được những tràng pháo tay giòn vang chào đón cùng ánh mắt lấp lánh hy vọng sẽ được thưởng thức một vở diễn xuất sắc…”, lúc sinh thời, NSND Trần Hạnh (Nhà hát Kịch Hà Nội) vẫn thường nhắc nhớ lại thời hoàng kim ấy của sân khấu và ông cùng đồng nghiệp may mắn được trải qua.
NSND Trần Quốc Chiêm (hoàng tử chèo đất Hà thành) kể, cánh màn nhung vừa khép là người mến mộ xếp hàng chờ ngoài cửa rạp để một lần được chạm mặt nghệ sĩ mình ái mộ cùng những chia sẻ cảm xúc sau khi xem vở diễn, những lời cảm ơn từ đáy lòng.
Nhiều người còn mang quà tới tặng, từ những thứ rất bình dị như tấm vải, đôi dép, hộp sữa bò… cho đến một số của cải giá trị như đồng hồ thậm chí là vàng, bạc. “Thật trân quý tấm tình của khán giả dành cho nghệ sĩ. Chúng tôi hạnh phúc đón nhận nhưng không bao giờ nhận những gì liên quan đến của cải vì việc giữ cái tình mến mộ vô tư trong sáng trong lòng khán giả đối với mỗi nghệ sĩ quan trọng hơn tất cả”, NSND Trần Quốc Chiêm nói.
Tuy nhiên, sau những tháng năm hoàng kim ấy, hàng chục năm qua, sân khấu cả nước rơi vào khủng hoảng khi khó có thể mời gọi được khán giả tới rạp thường xuyên. Cũng vì, đã có quãng thời gian dài các vở diễn được công diễn bằng vé mời, tạo thói quen xấu cho khán giả không chịu chi tiền để mua vé thưởng thức nghệ thuật.
Cùng với đó, nhiều loại hình giải trí khác như ca nhạc, phim ảnh, truyền hình, tạp kỹ… xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần khiến sân khấu mất vị trí độc tôn, thậm chí còn hoàn toàn lép vế, ế ẩm.
Hàng năm, các nhà hát vẫn dàn dựng vở mới theo kế hoạch đặt hàng song tình trạng chỉ diễn được mấy đêm sơ, tổng duyệt phát vé mời hay để đem đi thi, liên hoan toàn ngành cũng theo hình thức không bán vé rồi cất kho… là phổ biến. Nhiều rạp hát là những công trình được thành phố đầu tư mạnh tay song thường im ỉm đóng cửa cả tuần.
Trong khi đó, diễn viên, nhất là các bạn trẻ phải đôn đáo bươn chải với trăm thứ nghề, miễn sao đủ sống để tiếp tục nuôi đam mê với sân khấu. Tiếc cơ sở vật chất và muốn linh hoạt tăng nguồn thu để đảm bảo đời sống cho anh em, nhiều đơn vị cho thuê rạp hát làm điểm tổ chức hội nghị, đám cưới...
Thực ra, việc cho thuê rạp sử dụng với mục đích khác như thế gần như chỉ là bất đắc dĩ đối với mỗi đơn vị nghệ thuật, bởi lẽ ai mà chẳng mong được làm nghề, rạp hát được đón khách đều đặn từ mỗi cuối tuần rồi đến hàng đêm.
Bởi vậy, thật tiếc cho kho tàng tác phẩm sân khấu không chỉ có giá trị cao về mặt nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ mà còn có thể cùng tạo ra lợi nhuận không nhỏ về mặt hàng hóa vậy nhưng gần như mấy thập kỷ qua ít được khai thác.
Mấy năm gần đây, một số nhà hát nỗ lực tổ chức biểu diễn bán vé tại rạp hoặc theo suất hợp đồng và ít nhiều nhận được sự quan tâm của khán giả song vẫn chỉ là trong tình trạng được chăng hay chớ, chưa có sự ổn định, bền vững. Cũng có đơn vị tâm huyết đầu tư cho công tác tổ chức biểu diễn, chương trình kịch mục gọn ghẽ, bắt mắt, hấp dẫn nhưng vẫn chỉ dừng lại ở những loay hoay giải bài toán thu không đủ chi.
Có thể thấy, “chuyến tàu” đầu tiên của công cuộc công nghiệp văn hóa đối với các lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu Thủ đô nói riêng đã bị lỡ vậy nên đánh mất nhiều cơ hội và bào mòn niềm say nghề của không ít nghệ sĩ tài năng.
Chẳng thế mà NSND Trần Quốc Chiêm đưa ra góc nhìn: Nhắc đến thời hoàng kim của sân khấu để mọi người thấy được việc ngày đó – đời sống còn nhiều khó khăn song khán giả vẫn sẵn sàng chi tiền đến rạp hát.
Mỗi vở diễn cháy vé trong hàng tuần, hàng tháng tức là bán được hàng và là sản phẩm thực thụ, được định lượng rõ ràng. Tiềm năng của sân khấu đóng góp vào việc phát triển công nghiệp văn hóa là ở khía cạnh đó chứ đâu. “Nguyên do có nhiều, trong đó phải nói đến việc bị quãng đứt gãy về khán giả trong thời gian dài và bản thân các nhà hát còn yếu về khâu tổ chức biểu diễn.
Sau đại dịch Covid-19, hiện mới thấy Nhà hát Múa rối Thăng Long có thể “bán hàng” khá tốt với các suất diễn kín ngày khi năng động khai thác trúng 2 thế mạnh là: Vị trí đắc địa (nằm ngay bên hồ Gươm) và múa rối nước là đặc sản duy nhất chỉ có ở Việt Nam.
Mức thu hằng năm của đơn vị này là minh chứng thuyết phục rằng nghệ thuật truyền thống hoàn toàn có thể trở thành chủ lực trong công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, nếu đơn vị này không tái đầu tư, nâng cao chất lượng chương trình thì sẽ khó đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của du khách, nhất là với khách quốc tế”, NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.
Vậy, cần làm gì để thúc đẩy sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu nước nhà nói chung thực sự bước vào công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa. Từ việc đưa thêm dẫn chứng về hoạt động của Sân khấu Lệ Ngọc (đơn vị tư nhân) trong mấy năm qua khá nổi bật, cố tác giả Nguyễn Hiếu cũng từng gợi ý rằng, cần xác định rõ khán giả đến với sàn diễn vì điều gì? Sức hút của sân khấu ở đâu.
Trong đó theo ông: “Điều cần đầu tiên và quan trọng nhất là tôn trọng chất văn hóa trong sân khấu. Để làm được thì yếu tố con người quan trọng hơn cả - đó là những người tâm huyết và am hiểu về sân khấu đảm nhận việc chỉ đạo, quản lý và trực tiếp thực hiện”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, khó có thể đưa sân khấu Thủ đô trở thành một ngành của công nghiệp văn hóa nếu vẫn duy trì cơ chế xin – cho được thực hiện chủ yếu thông qua việc Nhà nước đặt hàng một năm khoảng 2 vở diễn.
Vậy nên, cần hơn cả là sự mạnh dạn đẩy mạnh cổ phần hoặc xã hội hóa để các đơn vị nghệ thuật không ỷ lại trông chờ vào bầu sữa ngân sách Nhà nước mà cần năng động, hăng hái hạch toán đầu ra cho sản phẩm của mình. Song song với đó, Hà Nội cần có cơ chế chính sách đầy đủ, sát thực tiễn, tạo điều kiện để các đơn vị sáng tạo những mô hình kinh doanh nghệ thuật mới, bám sát với nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lại cho rằng, khó có thể đưa sân khấu bước vào phát triển công nghiệp văn hóa nếu chỉ là trông chờ vào sự nỗ lực của đơn vị nghệ thuật. Điều cần hơn cả vẫn là xây dựng cơ chế chính sách tốt; tạo môi trường đầu tư cởi mở, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh… NSƯT, tác giả Trịnh Quang Khanh đặc biệt cho rằng, không được thả nổi sân khấu mà cần những chính sách mang tính đặc thù: “Lấy lãi tư tưởng là chính”.
“Việc các đơn vị nghệ thuật đang phải lấy thu bù chi là không hợp lý mà nguồn tự thu đó nên để phát triển sự nghiệp và nâng cao đời sống của anh em làm nghề. Việc xây dựng khán giả cũng cần được quan tâm bằng dự án “Đem vở diễn đến với người xem” qua các kênh: Sóng truyền hình, phát thanh và những đợt lưu diễn đến vùng sâu, vùng xa”, ông Khanh đề xuất.
“Sân khấu có nhiều tiềm năng để đóng góp vào việc phát triển công nghiệp văn hóa. Song chuyện đó là rất khó khi giờ đây các nhà hát vẫn vô cùng vất vả trong việc sáng đèn, còn loay hoay với những chương trình riêng lẻ chứ chưa tạo ra được chuỗi sản phẩm phong phú để “chào hàng” và khán giả có thể lựa chọn theo sở thích, nhu cầu”. NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.