Biểu tượng Hổ biến hóa trong mỹ thuật cổ Việt Nam
Cùng là hổ, nhưng không phải lúc nào cũng gầm gừ dữ dội. Có những thời, hổ hiền lành như thú nuôi trong nhà và có lúc lại hài hước.
Chân dung hổ và sự biến hoá của chúa sơn lâm suốt 2.000 năm, qua các thời kỳ được Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số nhà sưu tập trưng bày trong chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”.
Trấn yểm lăng mộ
Mặc dù đến hết tháng 8/2022, chuyên đề trưng bày “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” mới kết thúc, nhưng có lẽ gần đến Tết Nhâm Dần công chúng lại càng háo hức chiêm ngắm “ông ba mươi” trong các tư thế biến hoá của lịch sử mỹ thuật Việt cổ.
Ban tổ chức triển lãm cho biết, trong văn hoá của người Việt, hình tượng hổ có lịch sử lâu đời. Cách ngày nay trên 2.000 năm, hổ đã bước vào mỹ thuật trên các đồ đồng Đông Sơn, với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này.
Cùng với diễn trình lịch sử văn hoá Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến những vật dụng trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian.
Cách tạo hình, phong cách, ứng dụng, ý nghĩa của mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt. Hình tượng hổ đã đồng hành và đóng góp những nét đặc sắc với phức cảm thẩm mỹ vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Chỉ với trên 30 hiện vật và tài liệu, hình ảnh chọn lọc từ tượng thờ, vật liệu trang trí, tranh thờ dân gian nhưng trưng bày mang đến cho công chúng một hình dung bao quát về sự vận động đổi thay rất thú vị của hình tượng hổ qua các giai đoạn khác nhau.
Nếu như hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn cho thấy sức mạnh mang tính thần thánh, thì sang nghệ thuật của 10 thế kỷ đầu Công nguyên lại gắn với các quan niệm về tứ tượng (tứ linh, tứ thần thú) với Thanh Long (trấn giữ phương Đông), Bạch Hổ (trấn giữ phương Tây), Chu Tước (trấn giữ phương Nam), Huyền Vũ (trấn giữ phương Bắc).
Đến thời nhà Lý, hình tượng hổ lại đại diện cho cái ác và sự bất nhẫn. Công chúng có thể dễ dàng liên hệ với câu chuyện lịch sử về Thái sư Lê Văn Thịnh “hóa hổ giết vua”. Bởi vậy, tạo tác hình khối hổ thời kỳ này mang lại cảm giác ghê sợ, trừng phạt.
Sang thời nhà Trần, tượng hổ ở các lăng miếu lại có tạo hình khỏe khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh oai phong. Đồng thời hổ được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ nơi yên nghỉ của nhân vật hoàng gia…
Tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ (Hưng Hà - Thái Bình) và lăng vua Trần Hiến Tông (Đông Triều - Quảng Ninh) là các tác phẩm điêu khắc hiếm hoi còn lại của thời Trần, mở đầu cho truyền thống đặt tượng ở hai bên trục thần đạo tại các lăng mộ.
Biến hóa qua các thời kỳ
Tới thời Lê Sơ (thế kỷ 15 - 16), các lăng mộ thường có 10 pho tượng với kích thước nhỏ - khoảng 110cm đối với tượng người và 60cm đối với tượng thú. Nhóm tượng này chia làm 5 đôi, gồm: Quan hầu, lân, tê giác, ngựa, hổ.
Ở một số lăng muộn hơn, tượng voi thay cho tượng hổ, còn các tượng khác vẫn giữ nguyên. Các tượng nói chung và tượng hổ được thể hiện đơn giản ở cách tạo dáng, hình khối, đường nét nhưng vẫn giàu tính biểu cảm.
Thời Lê - Trịnh (thế kỷ 17 - 18) với sự nới lỏng trong việc ban phong chức tước và hậu đãi với tầng lớp quan lại là thời kỳ nở rộ của các loại hình kiến trúc lăng mộ. Tượng hổ tại các di tích này thường được làm với kích thước lớn, khối hình trau chuốt mang tính tả thực. Thời này, hổ được coi như hộ môn thú, canh gác cửa các khu lăng mộ.
Hổ trong tranh dân gian Hàng Trống có trưng bày “Ngũ hổ” - bức tranh nổi tiếng được lưu truyền qua nhiều đời trong không gian thờ phụng. Ngoài ra còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng như thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ.
Hổ được xem là linh vật uy nghiêm, có oai linh và thần tính nên sức mạnh trở nên phi thường. Bởi vậy, màu sắc trong tranh hổ Hàng Trống được vận dụng kỹ lưỡng nguyên lý ngũ hành khiến cho bức tranh càng trở nên sống động và đậm chất nghệ thuật truyền thống.
Tới thời Nguyễn (thế kỷ 19 - 20), hình tượng hổ biểu trưng cho sức mạnh quốc gia. Hổ dùng để trang trí các tấm bổ tử trên phẩm phục võ quan, trên các bức trướng, tranh thêu, đồ gỗ chạm khảm, đồ ngọc, đồ pháp lam, bình phong trong các di tích đền, miếu...
Quần thể di tích cố đô Huế còn có công trình Hổ quyền - đấu trường của voi và hổ, được xây dựng năm 1830 dưới triều vua Minh Mạng. Hình hổ cũng được đúc trên Cao đỉnh - chiếc đỉnh lớn nhất trong cửu đỉnh, báu vật tượng trưng cho đế nghiệp muôn năm vững bền của triều Nguyễn.
Cùng về hình tượng hổ, nhưng sự đa dạng về hình dáng, tạo tác và ý nghĩa trên các chất liệu đồng, gốm, đất nung, gỗ, vải, tranh khắc, tranh thêu… đem đến cho người xem sự phong phú trong cách diễn tả về chúa sơn lâm.
Trong 2.000 năm lịch sử, hổ không phải lúc nào cũng giống nhau. Do quan niệm dân gian, tâm linh tín ngưỡng, bối cảnh văn hoá mà hổ trở nên khác nhau. Có lúc hổ dữ dằn, oai nghiêm nhưng có khi lại hiền lành như thú cưng nuôi trong nhà và có lúc lại hài hước trước bàn tay tạo tác của nghệ nhân dân gian.
Dù hình tượng hổ mỗi thời mỗi khác, nhưng hơn 30 hiện vật trong cuộc trưng bày chào đón Tết Nhâm Dần là những bằng chứng thể hiện sự đa dạng, biến hoá linh hoạt của mỹ thuật Việt cổ trong tiến trình lịch sử dân tộc.