• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Mai Vàng nhân ái" thăm nhạc sĩ Hồ Văn Thành và nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung

Sáng 6-10, chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm NSƯT - nhạc sĩ Hồ Văn Thành và nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung.

Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao tiền hỗ trợ 2 nghệ sĩ có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp văn học – nghệ thuật nước nhà này (mỗi người 5 triệu đồng).

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Hồ Văn Thành và nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung - Ảnh 1.

Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ nhạc sĩ - NSƯT Hồ Văn Thành

Hồ Văn Thành - nhạc sĩ giàu chất liệu sống

Tại Hội Sân khấu TP HCM, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao quà cho NSƯT - nhạc sĩ Hồ Văn Thành. Ông bày tỏ niềm xúc động khi được sự quan tâm của Báo Người Lao Động thông qua chương trình mà ông cho là rất nhân văn.

Xuất thân từ phong trào sinh viên - học sinh trước năm 1975, nhạc sĩ Hồ Văn Thành đã sớm có những ca khúc thể hiện tinh thần yêu nước.

Nhạc sĩ Hồ Văn Thành đã học Khoa Quốc nhạc tại Đại học Vạn Hạnh và Khoa Triết học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tại đây, ông tích cực tham gia phong trào sinh viên đấu tranh. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục học ở Khoa Sáng tác - Nhạc viện TP HCM và tốt nghiệp năm 1986.

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Hồ Văn Thành và nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung - Ảnh 2.

Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ nhạc sĩ - NSƯT Hồ Văn Thành. Đạo diễn Tôn Thất Cần - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM (bìa trái) chúc mừng nhạc sĩ Hồ Văn Thành

Những sáng tác của nhạc sĩ Hồ Văn Thành thường gắn với thời gian ông công tác tại Nhà hát Kịch TP HCM, Trung tâm Văn hóa TP, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP và Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (trước đây là Đoàn Xiếc TP HCM). Trong "Người thi hành án tử" của Nhà hát Kịch TP HCM, ca khúc ông viết cho vở kịch này đã chạm đến trái tim người xem.

Mới đây, vở kịch "Thành phố tình yêu" của tác giả Vương Huyền Cơ, do Nhà hát Kịch TP HCM dàn dựng, đã mang về cho ông giải thưởng Nhạc sĩ xuất sắc nhất tại Liên hoan Sân khấu kịch nói năm 2020.

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Hồ Văn Thành và nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung - Ảnh 3.

Nhạc sĩ - NSƯT Hồ Văn Thành

Nhạc sĩ Hồ Văn Thành là người luôn chăm chút khi sáng tác ca khúc cho vở kịch hay bộ phim. Ông luôn đặt nhịp đập trái tim vào sự buồn vui của nhân vật. Ông đi nhiều nơi, có nhiều chất liệu về vùng miền, nên những sáng tác của ông ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, chạm đến cảm xúc của người nghe, từ đó chắp cánh cho ca khúc có đời sống độc lập.

Ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Hồ Văn Thành sáng tác là phổ thơ "Buổi sáng hôm nay" của Duyên Hải vào năm 1972. Từ đó, ông được nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên (lúc bấy giờ cũng tham gia phong trào sinh viên - học sinh) động viên đi theo con đường sáng tác và học nhạc chuyên nghiệp.

Ông đã sáng tác hàng trăm ca khúc hay cho kịch, phim, được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong đó, những tác phẩm tiêu biểu như: "Mẹ yêu" (Kịch Sài Gòn), "Chuyện tình anh và em" (Nhà hát Kịch TP HCM), Thằng quỷ nhỏ" (Sân khấu Tuổi Ngọc), "Đôi cánh hạc tiên" (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam), "Ký ức" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), "Bước qua lời nguyền", "Bão không mùa", "Thời con gái đã xa", "Bến bờ xa lắc" (Nhà hát Kịch TP HCM), "Tình yêu và thiên sứ", "Hoa mai trắng", "Hoa tím sân vườn", "Hồn đá" (HTV), "Chiến binh", "TP buổi bình minh" (Nhà hát Trần Hữu Trang), "Mẹ và quê hương" (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu), "Bông mận trắng" (Nhà hát Tây Đô), "Hồi sinh" (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai), "Bão dậy trời Long Hưng" (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang)…  

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Hồ Văn Thành và nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung - Ảnh 4.

Nhạc sĩ - NSƯT Hồ Văn Thành

Ở lĩnh vực điện ảnh, nhạc sĩ Hồ Văn Thành viết nhạc cho các phim: "Nơi dòng sông dừng lại", "Ngày ấy ở quê tôi", "Cánh buồm ảo ảnh"; ca khúc "Tình bạn", "Áo trắng" (phim "Thằng câm"), "Dòng sông khoảng đời" (phim "Nơi dòng sông dừng lại"), "Ngày ấy ở quê tôi" (đạo diễn Đào Bá Sơn), "Cánh buồm ảo ảnh" (phim cùng tên), "Cao hơn bầu trời" (VTV)... 

Hiện nay, ông sáng tác ca khúc cho các vở: "Khát vọng" (Nhà hát Trần Hữu Trang), "Đại hồng thủy (đạo diễn Huỳnh Mơ – Tiền Giang). Ông còn là giảng viên dạy về âm nhạc sân khấu, âm nhạc điện ảnh tại ba trường: Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM, Đại học Tôn Đức Thắng.

Nguyễn Kiều Dung: Nghệ sĩ múa kiên cường

Đoàn đã đến chung cư Phú Thọ, quận 11, TP HCM thăm nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung. Bà cho biết từ tháng 6-2021 bị tai biến giai đoạn 2, khi đang dàn dựng các tiết mục múa cho CLB Dân gian hữu nghị Cung Văn hóa Lao động TP HCM – nơi bà đã gắn bó trên 20 năm với vai trò đạo diễn, biên đạo múa cho các chương trình nghệ thuật.

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Hồ Văn Thành và nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung - Ảnh 5.

Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung

Nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung sinh năm 1946, tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam (hệ 7 năm), sau đó được cử về công tác tại Đoàn Ca múa nhân dân miền Nam năm 1966 (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông sen).

Bà từng tham gia biểu diễn phục vụ chiến trường miền Nam thời chống Mỹ. Những tác phẩm múa dân tộc, dân gian được bà thể hiện rất xuất sắc, tạo dấu ấn đậm nét trong các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.

Ông Lê Nguyên Hiều – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM - cho biết niềm đam mê nghệ thuật múa đã ăn sâu vào máu thịt của bà Nguyễn Kiều Dung. "Chị là nghệ sĩ - biên đạo múa từng vào sinh ra tử trong những năm tháng khốc liệt nhất ở chiến trường. Tinh thần lao động nghệ thuật bền bỉ, chịu đựng gian khó, biến những gian nan thành tác phẩm đầy kiên cường đã là tấm gương sáng cho thế hệ nghệ sĩ múa hiện nay noi theo" - ông nhìn nhận.

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Hồ Văn Thành và nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung - Ảnh 6.

Nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung (bìa trái) dàn dựng múa tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM

Nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung luôn tâm niệm xây dựng một tiết mục nghệ thuật biểu diễn trước hết phải xác định nội dung tư tưởng, nói cái gì, diễn cho ai xem và hướng tới phục vụ sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu đẹp.

Những tiết mục múa được tập luyện, dàn dựng, biểu diễn trên khắp các chiến trường thời đó đều có sự đóng góp của nghệ sĩ Nguyễn Kiều Dung, góp phần tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ chắc tay súng trong những giây phút đối mặt với quân thù.

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Hồ Văn Thành và nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung - Ảnh 7.

Nghệ sĩ Múa Nguyễn Kiều Dung

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung tiếp tục thỏa sức đam mê với nghề cho đến lúc nghỉ hưu. 

Hiện bà bị tai biến, cơ thể liệt nửa người. Đón nhận món quà tinh thần của "Mai Vàng nhân ái", bà bày tỏ niềm xúc động, cảm ơn sự kết nối của Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM với Báo Người Lao Động

"Có được số tiền này, tôi sẽ điều trị bằng phương pháp châm cứu, tâp vật lý trị liệu tại nhà. Tôi nguyện luôn là người cô, người chị tinh thần với các diễn viên trẻ đam mê nghệ thuật múa. Dù không thể "xông trận" cùng các em nhưng tôi tự hào vì mình đã có một thời kiên cường trên mọi trận tuyến. Cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" - nghệ sĩ múa Nguyễn Kiều Dung tâm sự.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...