Mạnh tay loại bỏ kịch bản kém
Khép lại "Liên hoan sân khấu thủ đô năm 2022" (từ 25-9 đến 2-10), Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhà viết kịch, tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương nhận định đã có những tác phẩm đạt tới sự hoàn hảo, làm thăng hoa về nhận thức thẩm mỹ đối với khán giả, khiến người xem trăn trở, chiêm nghiệm để tự điều chỉnh mình làm sao sống tốt hơn, có ích hơn.
Sau liên hoan sân khấu thủ đô, tới đây sẽ là "Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc" (tháng 10-2022 tại Long An), "Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế" (tháng 11-2022 tại Hà Nội). Nhiều nhà chuyên môn đã lo lắng khi lĩnh vực sân khấu hiện nay đang khan hiếm những kịch bản hay. Một số đơn vị thiếu đầu tư về chất lượng, mang tới "Liên hoan sân khấu thủ đô 2022" vở diễn sơ sài, đơn giản, thiếu thẩm mỹ về nội dung cũng như hình thức thể hiện, tạo nên cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho người xem. Có kịch bản bộc lộ sự yếu kém của tác giả trong xác định vấn đề, cấu trúc kịch bản, tổ chức mâu thuẫn xung đột, dùng nhân vật lịch sử làm cái cớ và dựa vào đó để hư cấu. Xem hết vở diễn, người xem không hiểu tác giả định gửi thông điệp gì.
Nghệ sĩ Bình Tinh và Trọng Nhân trong vở cải lương “Vương quyền” - vở diễn đoạt HCV tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần V năm 2022
Đã xảy ra tình trạng lấy kịch bản cũ, chỉnh sửa lại, cố ghép địa danh, sự kiện mới vào sau đó "hô biến" thành vở mới tham dự, đã khiến cho liên hoan bị nhàm chán. Cụ thể, tại "Liên hoan Sân khấu thủ đô" , vở "Án tình" chuyển thể từ câu chuyện kịch "Đêm giao thừa" của cố tác giả Huỳnh Phúc Điền, cố lồng ghép câu chuyện xảy ra tại Hà Nội, nên đã không đạt hiệu quả vì nội dung bị gượng ép một cách khiên cưỡng.
Những nghệ sĩ tâm huyết cho rằng ban tổ chức các cuộc liên hoan cần phải chọn lọc các kịch mục tham dự, không thể chạy theo số lượng mà chấp nhận một số vở cũ, quá kém về mặt nghệ thuật. Song song đó cần tổ chức nhiều trại sáng tác, mời tác giả có uy tín tham gia để sáng tác những kịch bản đạt chất lượng tốt nói về mảnh đất, con người và chủ đề của từng liên hoan.
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, cần được đưa vào kịch bản công diễn trên sân khấu đáp ứng nhu cầu của khán giả. Không nên chỉ bó hẹp vào việc khai thác kịch bản ca ngợi quá khứ.
Muốn khắc phục tình trạng thiếu kịch bản hay, cần nhiều giải pháp, nhiều nỗ lực của các bên. Trước hết, ban tổ chức các chương trình liên hoan sân khấu cần "nói không" với việc chạy theo số lượng kịch bản tham gia mà xem nhẹ yếu tố chất lượng. Phải dũng cảm loại bỏ những kịch bản cũ, kém chất lượng; thậm chí có thể dừng tổ chức khi có quá nhiều vở cũ, có nội dung yếu.