• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu gạo Việt Nam xác lập kỷ lục mới

Giá lúa gạo tại ĐBSCL đang tăng với nhiều kỷ lục được xác lập không chỉ ở trong nước mà còn xô đổ cả kỷ lục bên ngoài quốc gia. Với việc giao dịch ở mức dao động 500-510 USD/tấn, gạo Việt Nam đã đạt kỷ lục mới trong 2 năm gần đây. Giá gạo cao đã kéo theo giá thu mua lúa trong nước tăng mạnh và vượt Thái Lan, đối thủ “nặng ký” đã xác lập gần một phần ba thế kỷ qua.

Xuất khẩu gạo Việt Nam xác lập kỷ lục mới

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Lục Tùng

Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng chưa từng có

“Giá lúa gạo trong nước, nhất là vùng ĐBSCL đang tăng trưởng chưa từng có” - ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp nhận định.
Theo ông Tuyên, giá thu mua lúa tại các nhà máy xay xát Thái Lan lần lượt là 7,600 - 9,700 Bath/kg tùy theo ẩm độ dao động từ 36 đến 15 (tương đương 5.320 đồng - 6.790 đồng/kg). Với mức giá thu mua này, lần đầu tiên sau 30 năm xuất khẩu, giá lúa tại Việt Nam đã ngang bằng giá lúa Thái Lan. Đây là dấu hiệu đáng mừng và là cơ hội để lúa gạo Việt có thể xác lập vị thế mới trên trường quốc tế.

Thực tế cho thấy, trước ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiều quốc gia đang bị sụt giảm sản lượng lúa gạo, cộng với ảnh hưởng xung đột đã khiến việc cung ứng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị đứt gãy. Tất cả như cho thấy, giá lúa gạo sẽ còn tiếp tục tăng và là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Các nước ASEAN và ngành nông nghiệp các nước trên thế giới rất quan tâm vấn đề an ninh lương thực. Trước giờ, người dân vẫn quan niệm năm nhuận thì năng suất lúa gạo sẽ giảm nhưng năm nay không xảy ra tình trạng đó vì bộ đã hướng dẫn bà con các kĩ thuật. Việt Nam đang góp phần đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho đất nước, khu vực mà còn thế giới”.

Với kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, toàn ngành nông nghiệp quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đã đề ra, trong đó, chú trọng vào mặt hàng gạo.

“Muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu 55 tỉ USD, mỗi tháng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải tăng 7 - 8%. Đối với xuất khẩu, giải pháp xúc tiến thị trường là rất quan trọng, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Lục Tùng

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Lục Tùng

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn kêu khó

Số liệu của Bộ NNPTNT cho thấy, kết quả xuất khẩu nhiều tháng gần đây của Việt Nam đang “tăng trưởng dương” khi tăng trưởng về giá trị cao hơn tăng trưởng về lượng so với cùng kì năm trước. Theo dự báo, nhiều khả năng giá lúa gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng thêm. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tạo ra cuộc bứt phá mới về giá. Điều này sẽ mang lại lợi ích tích cực cho người trồng lúa.

Tuy nhiên, niềm vui đó lại chưa thực sự trọn vẹn với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Bất chấp khối lượng, kim ngạch lẫn giá bán đều tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại than khó vì lợi nhuận sụt giảm.

Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quí đầu năm 2023 của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế sụt giảm. Đáng lo hơn là ngay cả doanh nghiệp “ông lớn” như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) có mức lợi nhuận sau thuế ở mức… lỗ so với cùng kì năm ngoái.

Vào thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, do lãi suất vay được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng, nên đa phần doanh nghiệp ngành gạo kéo giảm lượng tồn kho để tránh áp lực lãi vay. Khi vào vụ, biến động giá nội địa ngoài dự đoán, trong khi doanh nghiệp tranh thủ kí hợp đồng trước, đã dẫn đến giảm lợi nhuận khi giao hàng. Vì thế, rất cần sự tham gia, can thiệp kịp thời, hỗ trợ thiết thực của cơ quan chức năng để lúa gạo Việt được trọn niềm vui: Trúng mùa, được giá.

Tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực châu Phi... và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường FTA; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Giá trị xuất khẩu gạo ước đạt 2,3 tỉ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản. Lượng xuất khẩu gạo ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện giá gạo của Việt Nam cao xấp xỉ Ấn Độ, cao hơn Thái Lan. Việt Nam cũng đang chuẩn bị 1 triệu hécta lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải.


Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/xuat-khau-gao-viet-nam-xac-lap-ky-luc-moi-1212810.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết