Vốn bồi thường "tắc nghẽn" tại các dự án lớn của TPHCM
Năm 2024, TPHCM được giao giải ngân hơn 79.200 tỉ đồng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến ngày 29.11, thành phố mới chỉ giải ngân hơn 19.700 tỉ đồng, đạt 24,9% kế hoạch.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất gây chậm trễ là công tác giải phóng mặt bằng. Trong số 59.500 tỉ đồng vốn chưa được giải ngân, hơn 30.000 tỉ đồng nằm tại các dự án cần giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại ba dự án lớn: Cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp), cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) và hai đoạn Vành đai 2 (TP Thủ Đức). Tại dự án rạch Xuyên Tâm, năm nay được phân bổ hơn 12.000 tỉ đồng (gồm 212 tỉ đồng vốn bồi thường ở quận Gò Vấp và 11.672 tỉ đồng ở quận Bình Thạnh, 200 tỉ đồng công tác thi công, tư vấn, chi phí khác). Quận Gò Vấp có 138 trường hợp cần giải phóng mặt bằng, trong đó mới bàn giao được 35 trường hợp. Quận Bình Thạnh với 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng nhưng mới ra thông báo thu hồi đất. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư) đã yêu cầu quận Bình Thạnh và Gò Vấp phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước ngày 15.12, đồng thời đề nghị chủ đầu tư chuyển tiền tạm ứng kinh phí trước ngày 20.12 để kịp giải ngân toàn bộ vốn bồi thường.
Dự án cải tạo kênh Đôi cũng gặp khó khăn tương tự, với 1.633 trường hợp bị ảnh hưởng. Dù được phân bổ 5.374 tỉ đồng, dự án vẫn chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và phương án bồi thường để giải ngân.
Tại Thủ Đức, hai đoạn Vành đai 2 dài hơn 6km cần thu hồi hơn 61ha đất, ảnh hưởng đến 1.166 hộ với chi phí đền bù dự kiến 7.600 tỉ đồng. TP Thủ Đức cam kết phê duyệt phương án bồi thường và bắt đầu chi trả trong tháng 12.
Năm nay, dự án Metro số 1 phải giải ngân 4.467 tỉ đồng nhưng đến ngày 20.11, mới giải ngân được 1.128 tỉ đồng (đạt 25,26% kế hoạch). Nguyên nhân chính là bất đồng giữa các thành viên liên danh nhà thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố), dẫn đến việc không thống nhất ký kết các phụ lục hợp đồng liên quan đến thời gian thực hiện, thanh toán và xuất hóa đơn VAT. Riêng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM còn phải giải ngân hơn 5.000 tỉ đồng trong tháng cuối năm.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban này cho biết, đang tập trung vào bốn nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy nhanh thi công các dự án hiện tại; ưu tiên dự án Vành đai 3 với 1.500 tỉ đồng cần giải ngân; hoàn tất giải phóng mặt bằng cho 15 dự án trọng điểm (tổng giá trị khoảng 1.500 tỉ đồng); khởi công dự án mới và tạm ứng hợp đồng để tăng tốc giải ngân.
Ông Phạm Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở KHĐT TPHCM - cho biết, tiến độ giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Phần lớn các dự án mới được cấp vốn vẫn đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa đến bước giải ngân.