Trung – Nga phủ quyết, lệnh trừng phạt Triều Tiên bị chặn lại
Trung Quốc và Nga hôm 26-5 phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên vì các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới đây.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2006. Nghị quyết mới nhất do Mỹ soạn thảo sẽ giảm lượng dầu mà Triều Tiên có thể nhập khẩu hợp pháp hằng năm cho các mục đích dân sự từ 4 triệu xuống 3 triệu thùng (từ 525.000 xuống 393.750 tấn).
Gói trừng phạt Triều Tiên cũng đề xuất cắt giảm nhập khẩu dầu tinh chế từ 500.000 xuống còn 375.000 thùng. Dự thảo cũng đưa vào danh sách đen nhóm tin tặc Lazarus mà Mỹ cho là có liên quan đến Triều Tiên.
13 thành viên còn lại đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Mỹ soạn thảo.
Một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 11-5. Ảnh: Reuters
Cuộc bỏ phiếu diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên phóng 3 tên lửa, trong đó có một tên lửa được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất của nước này, sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield mô tả cuộc bỏ phiếu là một "ngày đáng thất vọng" đối với Hội đồng Bảo an LHQ. Bà Thomas-Greenfield cho hay: "Thế giới đang đối mặt với mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại từ Triều Tiên. Sự kiềm chế và im lặng của Hội đồng Bảo an đã không loại bỏ hoặc thậm chí làm giảm mối đe dọa".
Bà Linda Thomas-Greenfield cho biết Washington nhận định Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ phóng ICBM trong năm nay và đang tích cực chuẩn bị tiến hành một vụ thử hạt nhân.
Kể từ đó, Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt vì lý do nhân đạo.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phát biểu tại cuộc họp: "Việc đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên là lộ trình dẫn đến ngõ cụt. Chúng tôi nhấn mạnh tính chất không hiệu quả và vô nhân đạo của các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên".
Đại sứ Trung Quốc Trương Quân cho rằng việc trừng phạt bổ sung sẽ không có ích và sẽ chỉ dẫn đến những tác động tiêu cực và leo thang đối đầu. Đại sứ này nhận định: "Tình hình trên bán đảo diễn biến như lúc này chủ yếu là vì các chính sách của Mỹ và sự thất bại trong việc duy trì kết quả của những cuộc đàm phán trước đây".