• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm cách bung sức tiêu dùng cuối năm

Tiêu dùng nội địa là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi vậy mùa mua sắm cuối năm được đánh giá là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp giải phóng hàng hóa. Tuy vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt bán được hàng, cũng như người dân có tiền mua sắm, điều này bên cạnh các chương trình kích cầu, rất cần thêm chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào mùa mua sắm cuối năm. 

Doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào mùa mua sắm cuối năm

Thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào các chương trình giảm giá, khuyến mãi kích cầu sức mua quy mô lớn như Black Friday, Online Friday, Lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch…

Tăng hàng hóa, khuyến mãi đã đủ?

Đại diện Wincommerce dự báo, cuối năm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sẽ tăng khoảng 20%. Do đó, ngay từ đầu tháng 11, đơn vị này đã chuẩn bị nguồn hàng hóa tăng 20-30% để cung ứng ra thị trường.

Còn theo báo cáo Bộ Công Thương, lượng hàng hóa sử dụng vào các dịp Tết thường có xu hướng tăng 15-30% so với bình thường trong năm gần đây. Năm nay, theo báo cáo của các đơn vị phân phối lớn, con số vẫn tăng lên nhưng có thể sẽ thấp hơn so với mọi năm, khoảng 7 – 15%.

Theo Thông tin từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, tháng 7/2023, lần đầu tiên tiêu dùng nội địa đạt bằng mức trước dịch. Giai đoạn 2019 – 2020, bán lẻ hiện đại đóng góp 24% thị phần bán lẻ, trong dịch còn 16 – 18% và đến nay đã quay lại 24%.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhìn nhận điều này cho thấy đã có hiệu ứng đáng khích lệ từ những chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đưa ra trong thời gian qua. Trong các tháng 7, 8, 9, tỷ lệ tiêu dùng hiện đại đã nhích lên so với trước.

Dù vậy, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nói, điều hết sức tiêu cực cho thị trường bán lẻ là lần đầu tiên niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam rớt vào nhóm một trong những nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

“Người tiêu dùng tiết kiệm hơn, tiêu dùng thông minh và quan tâm nhiều đến tiêu dùng thiết yếu”, ông Đức nói. Hàng organic, xanh, sạch phát triển nhiều trước dịch nhưng trong và sau dịch thì ít được quan tâm hơn. Hàng xa xỉ trở nên kém hấp dẫn.

Tình cảnh khó khăn diễn ra tương tự ở các chợ truyền thống bán lẻ, bán sỉ quy mô lớn. Nhiều tiểu thương tại chợ An Đông (TP .Hồ Chí Minh) cho biết, họ gắn bó với chợ mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy buôn bán khó khăn như hiện nay. Hàng hóa ế ẩm khiến các tiểu thương kiệt quệ. Nguyên nhân là từ dịch COVID-19, lượng khách đến chợ sụt giảm mạnh, nhiều khách chọn cách mua hàng online từ các mối hàng bên Trung Quốc thay vì đến chợ…

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Giám đốc CTCP Bagico, cho biết có nhiều nhà cung ứng hàng từ Trung Quốc vừa qua đã mở các kênh bán lẻ online ngay biên giới, ship hàng từ Lạng Sơn, Móng Cái về Hà Nội qua chợ điện tử, mạng xã hội. Nhiều chợ đầu mối như Long Biên, Ninh Hiệp ở trong tình trạng vắng bóng khách mua và tiểu thương không bán được hàng.

Theo bà, đây là tính tất yếu của xu hướng thương mại bán lẻ, bán hàng online qua các kênh thương mại điện tử, nếu chậm chân, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh.

Cần thêm cú hích

Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhìn nhận các DN bán lẻ hiện đại cần phải tự vận động để thích ứng với thị trường như cơ cấu nguồn hàng hóa, đón đầu xu thế phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đặc biệt tận dụng hiệu quả kinh tế số của ngành bán lẻ.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng ngành bán lẻ quy mô khoảng 140 tỷ USD, nếu có những chính sách tích cực, ngành sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng. Vì vậy, các chính sách sau giai đoạn COVID-19 như giảm 2% thuế VAT tập trung nhiều vào người tiêu dùng cá nhân, tuy nhiên cũng mong rằng các chính sách tập trung vào DN nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho biết quan điểm cá nhân ông là nên giảm thuế VAT với tất cả các mặt hàng để kích cầu tiêu dùng mạnh hơn. “Chúng ta 2 lần giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% nhưng chỉ áp dụng một số ngành, lĩnh vực, loại trừ ngân hàng, viễn thông, bất động sản, công nghệ thông tin… ", vị này nói.

Thêm vào đó, muốn kích cầu tiêu dùng cần giảm khâu trung gian, từ đó kéo giảm giá hàng hóa, thu hút thêm nhiều người tiêu dùng. Bên cạnh chính sách hỗ trợ, sự nỗ lực của DN đa dạng thị trường cũng rất quan trọng. Ông Phụng đánh giá, thị trường nội địa có quy mô hơn 100 triệu dân là rất lớn, cần xác định đây là bà đỡ cho DN lúc khó khăn.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định tiêu dùng dù được xem là cứu cánh của động lực tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần phải xử lý. Trong tiêu dùng, bán lẻ là chủ yếu nhưng lại đang có xu hướng suy giảm. Mấy tháng đầu năm, bán lẻ tăng trưởng 15-17% nhưng gần đây chỉ còn tăng 11 – 12% và giờ đà tăng trưởng đang liên tục suy giảm, cho thấy nếu đây là động lực thì động cơ đang yếu. Do đó, cần phải tăng động cơ, cải thiện để tăng tốc hơn.

Về giải pháp hỗ trợ DN và người dân. TS. Cung cho biết, Chính phủ và Quốc hội đang bàn kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024 nhưng riêng ông hy vọng sẽ kéo dài tới 2025 để tạo ra một niềm hứng khởi, tạo luồng gió thúc mọi người tiêu dùng nhiều hơn. 

Theo Nhật Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết