Thị trường vàng tại Việt Nam đang dần đi vào ổn định?
Trong bối cảnh hội nhập tài chính ngày càng sâu rộng như hiện này, quản lý thị trường vàng cần được tiếp tục được tăng cường đảm bảo phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần tạo nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.
Thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhìn chung, trong những năm qua thị trường vàng trong nước đã được kiểm soát, diễn biến giá vàng đã ổn định hơn, hiện tượng buôn lậu, đầu cơ tích trữ vàng đã phần nào được hạn chế.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn chịu tác động mạnh của yếu tố tâm lý thị trường nên vẫn còn xảy ra hiện tượng giá vàng trong nước tăng đột biến vào một số thời điểm, đặc biệt khi giá vàng thế giới tăng mạnh.
Biến động của giá vàng vào thời điểm này đã không còn quá nóng và thị trường đã bắt đầu có khả năng điều chỉnh thích ứng; đồng thời, hiện tượng giá vàng biến động gây sức ép lên tỷ giá như đã xảy ra vào các năm trước đây cũng đã không lặp lại. Hoạt động của thị trường vàng đã đi vào ổn định.
Quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo đảm, về cơ bản, trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân. Sự công khai, minh bạch của hoạt động đấu thầu vàng đã giải tỏa sức ép các yếu tố tâm lý về sự khan hiếm vàng giả tạo, cũng như các hoạt động đầu cơ, buôn lậu, găm giữ vàng. Qua đó, bảo vệ lợi ích chính đáng và lâu dài của người tiêu dùng và của Nhà nước.
Điều này cho thấy những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong công tác quản lý thị trường vàng những năm qua, sự liên thông giữa thị trường vàng và thị trường ngoại tệ đã được hạn chế và kiểm soát tốt.
Mục tiêu ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã đạt được, góp phần làm tăng niềm tin của người dân vào VND và từng bước nâng cao tính chuyển đổi của VND, tạo ra những cơ sở tiền đề quan trọng cho ổn định vi kinh tế vĩ mô.
Thực hiện chủ trương chống “vàng hóa”, từ khi triển khai Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và nhất là từ năm 2014 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã tác động đến nguồn cung vàng miếng trong nước, dẫn đến hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước nhất là vàng miếng SJC – thương hiệu vàng miếng của Nhà nước – tăng cao trong những năm gần đây gây ra một số lo ngại về nguy cơ nhập lậu vàng từ nước ngoài và nhà nước thất thu thuế.
Trong bối cảnh phong tục, tập quán truyền thống tích trữ vàng của người dân vẫn còn thì người có nhu cầu mua vàng trong nước có thể chịu thiệt. Bên cạnh đó, việc hạn chế nhập khẩu vàng cũng ảnh hưởng đến đầu vào của các doanh nghiệp ngành sản xuất vàng trang sức trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Những vấn đề đặt ra này đã và đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét, giải quyết để đảm bảo được tính thông suốt và lành mạnh của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp.
Hoạt động quản lý thị trường vàng cần thiết phải được tổng kết, đánh giá thường xuyên đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển của thực tiễn theo hướng: Phát triển lành mạnh thị trường vàng, đảm bảo sự thông suốt trong phạm vi nền kinh tế và liên thông với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình với những bước đi thận trọng, phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường tài chính cũng như các công cụ và hàng rào kỹ thuật. Tiếp tục xem xét hành lang pháp lý một cách chặt chẽ và đầy đủ nhưng linh hoạt liên quan đến hình thức, phạm vi, đối tượng tham gia thị trường.
Có thể khẳng định, thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP “vàng hoá, đô la hoá” đến nay cơ bản đạt được kết quả tích cực. Mặc dù, tại một số thời điểm, giá vàng trong nước biến động mạnh theo giá vàng thế giới, nhưng khác với trước đây, những biến động này không ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ. Tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do bám sát tỷ giá chính thức, nhiều thời điểm còn thấp hơn tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại.
Diễn biến của thị trường vàng và thị trường ngoại tệ tự do không còn ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá và tình hình thị trường ngoại tệ chính thức, không gây bất ổn thị trường, nhu cầu doanh nghiệp và người dân, nhìn chung, được đáp ứng. Hoạt động trên thị trường ngoại tệ chính thức ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Những thành công trong quản lý thị trường vàng là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng chính sách, đó là sự kết hợp tổng thể, hài hòa giữa biện pháp kinh tế, biện pháp hành chính và công tác truyền thông để đạt mục tiêu đề ra.