Thị trường tài chính Việt Nam không chịu tác động quá lớn từ sự cố ngân hàng Mỹ
Sự cố một số ngân hàng của Mỹ phá sản, đóng cửa là cú sốc với hệ thống tài chính Mỹ nói riêng và hệ thống tài chính toàn cầu nói chung. Trao đổi với Tạp chí Tài chính, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, với những biện pháp linh hoạt, hài hòa của mình, hệ thống tài chính Việt Nam sẽ chịu một phần tác động nhưng không quá lớn.
Phóng viên: Thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh. Theo ông, việc hai ngân hàng của Mỹ phá sản và đóng cửa có khả năng tạo domino lan truyền sang cả hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Á và cả Việt Nam hay không?
TS. Cấn Văn Lực: Sau thông tin Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ phá sản, tôi nhận được nhiều câu hỏi như: Tại sao lại như vậy, việc này có giống khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng bắt đầu từ Mỹ năm 2008-2009 hay không? Sự việc có khả năng tạo domino lan truyền sang cả hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Á và Việt Nam hay không?
Bằng những nghiên cứu, trao đổi phân tích chuyên sâu cùng các chuyên gia, tôi cho rằng, không mấy ngạc nhiên với kết cục xảy ra với SVB bởi sự phát triển "quá nóng" của Ngân hàng này.
Minh chứng là lượng tiền gửi tại ngân hàng này tăng nhanh, từ 60 tỷ USD vào quý I/2020 lên đến 175 tỷ USD cuối năm 2022. Tổng tài sản của SVB cuối năm 2022 là 212 tỷ USD. Sự cố diễn ra rất nhanh, và đây là điển hình của trường hợp phá sản ngân hàng do mất thanh khoản.
Sự việc bắt đầu vào ngày 08/3 khi Tập đoàn Tài chính SVB - công ty mẹ của SVB - thông báo lỗ 1,8 tỷ USD sau khi phải bán các khoản chứng khoán trị giá 21 tỷ USD và dự kiến phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để tăng năng lực tài chính, bù đắp các khoản lỗ.
Ngày 09/3, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm không đánh tụt hạng SVB, dẫn đến giá cổ phiếu giảm 60%, cùng với việc một số Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn khuyến nghị các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của các Quỹ này rút tiền khỏi SVB. Đồng thời, khách hàng ồ ạt rút với số tiền khoảng 42 tỷ USD (tính đến cuối ngày), bất chấp phát ngôn trấn an của lãnh đạo SVB.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, đối với thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, sự việc có tác động nhưng không nhiều. Chỉ số chứng khoán toàn cầu đã và đang giảm nhẹ, còn biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc huy động vốn của các công ty công nghệ, startups toàn cầu sẽ khó khăn hơn và bị đánh giá rủi ro hơn, nên có thể sẽ phải trả lãi suất cao hơn.
Riêng ở Việt Nam, Chính phủ cùng các Bộ, Sở, Ban ngành đã và đang có những chỉ đạo cụ thể bằng các văn bản nhằm định hướng và cân bằng lại nền kinh tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 sửa đổi các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững... đã và đang giúp thị trường tài chính Việt Nam từng bước được khôi phục.
Phóng viên: Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Bất động sản luôn có sự liên quan, cộng sinh với hệ thống ngân hàng. Theo ông, qua sự kiện này, có rủi ro gì đối với các thị trường này ko?
TS. Cấn Văn Lực: Tất nhiên là nếu bất cứ một ngân hàng nào phá sản thì đều sẽ mang đến rủi ro cho các ngành khác bởi thệ thống tiền tệ cũng là một trong những phạm trù an ninh (an ninh tiền tệ). Hệ thống ngân hàng là nơi cung cấp vốn cho đa phần các ngành còn lại của nền kinh tế, nên nếu ngân hàng gặp sự cố thì sẽ gây áp lực lớn lên các ngành khác.
Ngân hàng cũng là một mảng kinh doanh, mà ở đây là loại hàng hóa đặc biệt là tiền. Nguồn tiền của các ngân hàng chủ yếu từ huy động từ khoản tiền gửi khách hàng để cho các tổ chức, các nhân có nhu cầu vay lại. Nếu các ngân hàng bị rút tiền mặt với số lượng lớn trong khoảng thời gian ngắn sẽ mất khả năng thanh khoản.
Với thị trường bất động sản, đa phần các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án phải dựa vào ngân hàng mới có đủ nguồn vốn để triển khai các dự án của mình. Tại Việt Nam, năm 2022, khi Nhà nước quyết định rà soát, siết chặt room tín dụng đối với bất động sản để thanh lọc đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong ngành này, nhất là các doanh nghiệp đã và đang huy động vốn quá lớn, dẫn tới hoạt động phụ thuộc vào các khoản vay.
Rõ ràng khi ngân hàng không thể cho vay thêm thì các nhà phát hành đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp quá lớn, cùng với việc thanh khoản thị trường không như mong đợi, sẽ dẫn tới các doanh nghiệp này gặp các sự cố mà không mong muốn nhất là phải phá sản.
Ở thị trường chứng khoán cũng vậy! Việc ra quyết định xuống tiền mua vào hay bán ra của cổ phiếu một doanh nghiệp nào đó dựa vào niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp phát hành cổ phiếu đó. Nếu thị trường thanh khoản thấp, dẫn tới sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đó không tốt, và hiển nhiên đa phần các nhà đầu tư sẽ bán ra cổ phiếu. Điều này lại càng làm thị trường giảm điểm và đi xuống.
Thế nhưng, với những biện pháp linh hoạt, hài hòa của mình, hệ thống tài chính Việt Nam sẽ chịu một phần tác động nhưng không quá lớn.
Phóng viên: Chúng ta nhận được bài học gì từ việc hai ngân hàng của Mỹ là phá sản và đóng cửa, thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, sau các sự kiện trên, có bốn bài học cơ bản cho Việt Nam từ sự cố trên:
Một là, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động là tăng trưởng nhưng phải kiểm soát được rủi ro, trong đó cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính, và cần phát triển bền vững.
Hai là, thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh, vì vậy minh bạch, kỷ luật thị trường cùng với nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ tài chính, và hiệu quả truyền thông là rất quan trọng.
Ba là, dù tính thị trường ở đây là cao, vai trò, năng lực và hiệu quả của các cơ quan giám sát cũng quan trọng không kém. Với trường hợp SVB, rõ ràng, cơ quan giám sát ngân hàng của bang này chưa có những cảnh báo kịp thời.
Bốn là, mỗi quốc gia cần có một mạng lưới an toàn tài chính, trong đó cần quan tâm đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và nền kinh tế thực. Bên cạnh đó, cần có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, bài bản, hiệu quả, trong đó các cơ quan thanh tra - giám sát cần độc lập hơn, vai trò bảo hiểm tiền gửi cũng cần rõ nét hơn.
Phóng viên: Cảm ơn chia sẻ của ông!