• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng trưởng xanh: Yêu cầu tất yếu

Tăng trưởng xanh là chủ đề xuyên suốt của Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2023. TP HCM không đặt vấn đề tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh chung chung mà xác định rõ đích đến là "net zero".

"Tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Thủ tướng Chính phủ đã ký cam kết trung hòa khí nhà kính, giảm phát thải khí carbon về mức bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Nếu từ giờ tới đó, Việt Nam không chuyển đổi trong nhận thức và hành động thì không bảo đảm cam kết". Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA), cho biết như vậy khi mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.

. Phóng viên: Ông có thể phân tích rõ vì sao tăng trưởng xanh là yêu cầu tất yếu?

Tăng trưởng xanh: Yêu cầu tất yếu - Ảnh 1.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA

- Ông NGUYỄN NGỌC HÒA: Xanh hóa không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là luật chơi mới trên thị trường trong lẫn ngoài nước. Trong nước, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh và môi trường sống an toàn, bảo vệ thiên nhiên ngày càng được xã hội quan tâm.

Chính phủ đã ban hành Quyết định 1393/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khẳng định "tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu".

Không dừng lại đó, với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh mang tính chất sống còn đối với DN. DN Việt Nam đang đối mặt hàng rào phi thuế quan ngày càng khắt khe do các nước nhập khẩu dựng lên. Trong đó, tiêu chuẩn "xanh" được áp dụng như hàng rào kỹ thuật mới.

. Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang ở đâu trên bản đồ xanh hóa toàn thế giới, thưa ông?

- Có thể khẳng định tăng trưởng xanh chính là nền tảng để phát triển bền vững. Nếu không chuyển đổi vào thời điểm này thì trước mắt, chúng ta khó hội nhập và trong tương lai, sự phát triển sẽ không bền vững.

Thế giới đã đi rất nhanh trong vấn đề chuyển đổi xanh, trong khi Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng còn ở giai đoạn nhận thức, chuẩn bị và bắt đầu chuyển dịch. Vì vậy, chúng ta phải bắt tay vào hành động và hành động nhanh để đáp ứng những yêu cầu này.

Đừng nghĩ xanh hóa là phải làm điều gì lớn lao mà trước mắt, tùy theo loại hình và điều kiện, hoàn cảnh mỗi DN mà thực hiện tốt 3R, gồm: reduce (giảm phát thải), reuse (tái sử dụng) và recycle (tái chế). Ngay lúc này, DN phải bắt tay hành động bằng cách giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, dùng công nghệ sản xuất tiết kiệm, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên nhà máy, công ty… Trong tiêu dùng của người dân thì chuyển sang sử dụng xe điện thay cho xe chạy bằng xăng dầu…

. Đây cũng là lý do TP HCM chọn tăng trưởng xanh làm chủ đề xuyên suốt của Diễn đàn Kinh tế thành phố 2023 (HEF 2023)?

- HEF là sự kiện quốc tế hằng năm do UBND TP HCM chủ trì, Sở Ngoại vụ và HUBA phối hợp tổ chức nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp của diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM nói chung và các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của thành phố nói riêng.

Đây là lần thứ 4, TP HCM tổ chức HEF và là lần đầu tiên đưa chủ đề kinh tế xanh, tăng trưởng xanh vào nội dung diễn đàn. Tại HEF 2023, TP HCM không đặt vấn đề tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh chung chung mà xác định rõ đích đến là "net zero". Vì vậy, cách tiếp cận sẽ đồng bộ hơn nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức chuyển đổi xanh, đồng thời đi vào hành động cụ thể, giới thiệu nhiều giải pháp, công nghệ giúp giảm phát thải carbon.

Cụ thể, HEF 2023 xoay quanh 6 chủ đề chính, trong đó có xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị như TP HCM; bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thực trạng của TP HCM và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh...

Tăng trưởng xanh: Yêu cầu tất yếu - Ảnh 2.

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại và số hóa trong sản xuất để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Ảnh: THANH NHÂN

. Thưa ông, TP HCM có kỳ vọng HEF 2023 sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh cho thành phố?

 

- Như tôi vừa nói ở trên, HEF 2023 hướng đến hành động, từ cách tiếp cận đến chuyên gia; sự chia sẻ kinh nghiệm của chính phủ các nước, các định chế tài chính, các giải pháp công nghệ…

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, lãnh đạo TP HCM sẽ gặp gỡ 100 CEO hàng đầu trong hệ sinh thái kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nước và thế giới với mong muốn trao đổi khả năng hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư, tạo sân chơi giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài, giải pháp phát triển kinh tế bền vững theo hướng xanh hóa. 100 CEO này cũng được TP HCM "chọn mặt gửi vàng", là những đại diện tiên phong, thực hiện cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải carbon.

Không dừng lại ở đó, tại diễn đàn, TP HCM còn công bố khung chiến lược về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và chương trình hành động cụ thể. HUBA cũng có chương trình hành động với thông điệp gói gọn trong 12 chữ: "Xu thế tất yếu, điều kiện sống còn, tương lai bền vững", khẳng định tương lai của DN Việt phải gắn với chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

. Muốn chuyển đổi xanh, DN bắt buộc phải có nguồn tài chính. Ông có cho rằng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội sẽ mở ra cơ hội cho DN tiếp cận nguồn tài chính để thực hiện chuyển đổi xanh?

- Theo Nghị quyết 98, TP HCM sẽ triển khai chương trình kích cầu đầu tư. Thành phố đã đưa các nội dung về chuyển đổi xanh vào chương trình này. Các DN chuyển đổi xanh sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất bằng 0 hoặc bù lãi suất 50% trong thời hạn 7 năm để thực hiện tiến trình "xanh hóa".

Theo khảo sát của HUBA, ngoài vấn đề lãi suất, DN còn rất mong nhà nước sớm hình thành thị trường tín chỉ carbon để những DN chưa có điều kiện đầu tư giảm phát thải carbon có thể mua chứng chỉ này, đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Dĩ nhiên, trong quá trình thực hiện, cần có sự vào cuộc của nhà nước, cơ quan chức năng, nhà khoa học và giải pháp công nghệ.

Không chỉ mua tín chỉ carbon, DN đã tích cực đầu tư xanh hóa đạt chuẩn giảm thải carbon thì có thể bán để thu hồi vốn, khẳng định giá trị thương hiệu và sản phẩm của mình...

Nhìn một cách tổng thể, xu hướng chuyển đổi xanh mang đến cho Việt Nam cơ hội đi tắt đón đầu trong công cuộc xanh hóa sản xuất. 

Cần có hành động cụ thể

HEF 2023 với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0" sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17-9, dự kiến có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước...

Tại buổi họp báo giới thiệu HEF 2023 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận thế giới đang thay đổi rất nhanh nhưng hành động của chúng ta rất chậm và lúng túng. Do đó, cần có cuộc vận động mạnh với hành động cụ thể.

"TP HCM cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, năng lực cạnh tranh mới, đóng góp vào kinh tế cả nước. Nếu không có chuyển đổi xanh và chính sách cụ thể, lâu dài thì nền kinh tế TP HCM sẽ mất đi năng lực cạnh tranh" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...