• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất theo tín hiệu thị trường

Lễ hội Trái cây Nam Bộ là sự kiện thường niên mỗi mùa hè, thường bắt đầu từ 1-6 và kết thúc ngày 31-8 tại Khu Du lịch văn hóa Suối Tiên (TP Thủ Đức, TP HCM).

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, lễ hội đã phải tạm dừng 3 năm qua. Năm nay, lễ hội này trở lại và thu hút 25.000 lượt khách vào ngày đầu khai mạc.

Có thể xem khu vực lễ hội là một khu chợ đặc biệt khi các nhà vườn trực tiếp đưa hàng lên bán, ban tổ chức không thu tiền mặt bằng nên giá bán trái cây khá "mềm" so với thị trường. Tại khu chợ trái cây đặc sản, nhiều nhà vườn đã hết sạch hàng từ 14-15 giờ vì không ngờ sức mua mạnh đến vậy nên chuẩn bị hàng không đủ.

Trong khuôn khổ lễ hội còn có Hội thi "Trái ngon an toàn Nam Bộ" với khoảng 350 nhà vườn đăng ký tham gia. Hình ảnh những nông dân từ các tỉnh Nam Bộ hay vùng ngoại thành TP HCM nâng niu những trái ngon của vườn mình đã ghi điểm trong lòng người tiêu dùng.

Tại khu du lịch này có rất đông khách đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Do không có nhiều trái cây phong phú như Nam Bộ nên rất hứng thú với chợ trái cây ở đây, nhiều gia đình đã mua ăn thỏa thích trong những ngày du lịch tại TP HCM. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường với trái cây đặc sản như: sầu riêng, măng cụt, xoài, vải thiều, chôm chôm… vẫn còn lớn, quan trọng là cách tiếp cận khách hàng thích hợp để họ vui vẻ móc hầu bao.

Trong những năm gần đây, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng đối với ngành cây ăn trái, nhiều loại quả được trồng rải vụ, cho trái quanh năm nên khái niệm về mùa thu hoạch có phần nhạt nhòa. Dù vậy, mùa trái cây thuận theo tự nhiên vẫn là thời điểm trái cây thu hoạch nhiều nhất, ngon nhất bởi thích hợp về thời tiết, thổ nhưỡng mà không cần phải có sự can thiệp của con người.

Đây cũng là lúc trái cây có giá thành rẻ nhất, phù hợp với số đông người tiêu dùng mà nhà vườn không bị thiệt. Các chuyên gia về dinh dưỡng, nông nghiệp vẫn thường khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng trái cây theo mùa bởi sản phẩm an toàn nhất vì canh tác theo mùa, cây trồng ít nguy cơ sâu bệnh nên không cần phải xử lý hóa chất - ít có nguy cơ tồn dư những hóa chất này trên sản phẩm.

Dù vậy, việc trái cây đồng loạt thu hoạch trong một thời gian ngắn cũng gây áp lực lên việc tiêu thụ, buộc các nhà vườn và hệ thống bán lẻ cần phải có kế hoạch tiêu thụ bài bản từ đầu, tránh việc dội chợ, rớt giá.

Thời nay, các nhà bán lẻ đã tận dụng những ngày đặc biệt để kích cầu với sự chuẩn bị từ đầu mùa, trong đó có những mặt hàng mang tính mùa vụ như trái cây. Vừa qua, khi "gỏi gà măng cụt" và "trà mãng cầu" nổi lên trên mạng xã hội, từ đó đi sâu vào đời sống xã hội, vào thực đơn của hàng quán khiến nhu cầu măng cụt xanh và mãng cầu xiêm tăng lên nhanh chóng, giá cả theo đó cũng tăng lên.

Từ thực tế trên cho thấy rất cần các chương trình kích cầu tiêu dùng sáng tạo để thúc đẩy tiêu thụ, giúp nhà vườn bán hàng. Dù vậy, để thị trường bền vững, nhà vườn không chỉ nâng cao kỹ thuật sản xuất mà còn kỹ năng bán hàng, gắn bó mật thiết với kênh phân phối để sản xuất theo tín hiệu thị trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...