Nhiều ngân hàng “đua nhau” chốt trả cổ tức cho cổ đông
Trong 2 tháng vừa qua, nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, nhiều ngân hàng đang tích cực chia cổ tức cho cổ động. Đơn cử như TPBank, MSB, OCB, VIB… thậm chí như Eximbank đã 10 năm không chia cổ tức thì nay cũng đã tích cực tham gia vào đường đua này.
Sau gần 10 năm vắng bóng, Eximbank đã bắt đầu trả cổ tức cho cổ đông. Ảnh: EIB
“Nức lòng” nhận cổ tức
Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank mã chứng khoán: TPB) vừa thông báo 24/9 tới là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới).
Dự kiến, TPBank sẽ phát hành thêm 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.420 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phiếu lưu hành là gần 2,642 tỷ đơn vị.
Trước đó, trong tháng 7, TPBank đã thực hiện thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 5%. Tổng số tiền mà ngân hàng chi ra là hơn 1.100 tỷ đồng.
Đặc biệt, lần đầu sau 10 năm, cổ đông Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) cũng được sắp nhận cổ tức bằng tiền.
Cụ thể, Nhà băng này cũng đã thông báo 20/9 ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu.
Đối với cầu phần tiền mặt, Eximbank chia theo tỷ lệ 3% (1 cổ phiếu được nhận 300 đồng). Với hơn 1,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ngân hàng sẽ phải chi xấp xỉ 522 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Thời gian thanh toán là 4/10/2024.
Với phần cổ tức bằng cổ phiếu, Eximbank dự kiến phát hành thêm gần 121,9 triệu cổ phiếu mới với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 7 cổ phiếu mới mới).
Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ tăng từ 17.469 tỷ đồng lên 18.688 tỷ đồng. Thời gian phát hành chưa được công bố cụ thể, nhưng dự kiến là trong năm nay.
Trước đó, một số ngân hàng cũng đã chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong tháng 8 là MSB, OCB và VIB.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB) đã chốt ngày 29/8/2024 là ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%.
Theo đó, MSB sẽ tăng vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại tính theo báo cáo tài chính kiểm toán tại ngày 31/12/2023 sau khi trích các quỹ theo luật định.
Tỷ lệ phát hành là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 30 cổ phiếu), tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.
Theo sau MSB, Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán: OCB) thông báo, 30/8/2024 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB) cũng đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 23/8/2024. Sau đợt phát hành trên, vốn điều lệ của VIB dự kiến sẽ tăng thêm gần 4.313 tỷ đồng.
“Sức khỏe” của mỗi ngân hàng cần được nâng cao
Nhận định về việc các ngân hàng tích cực chia cổ tức, ông Lê Hoài Ân - Chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp cho rằng, việc chi trả cổ tức có thể được thực hiện bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, tùy thuộc vào đánh giá của ngân hàng về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng giúp các ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.
Theo ông Lê Hoài Ân, việc trả cổ tức thực sự có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của mỗi ngân hàng. Trong khi việc trả cổ tức đều đặn thường được xem là biểu hiện của sự ổn định và khả năng sinh lời, tuy nhiên điều này cũng có thể phản ánh một chiến lược tái đầu tư thận trọng hoặc thậm chí là thiếu cơ hội đầu tư có giá trị.
Theo chuyên gia này, bên cạnh việc chia cổ tức thì các ngân hàng cũng cần chú ý đến việc tìm chiến lược đầu tư tốt, có giá trị để đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi ngân hàng.
Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, nhận định về việc ngân hàng chia cổ tức, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho rằng: “Các ngân hàng ngoài việc chia cổ tức bằng tiền mặt cần phải nâng cao "sức khỏe" của ngân hàng, như vậy ngân hàng mới phát triển bền vững.
“Tăng vốn lên là để góp phần phát triển mạng lưới đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị cho ngân hàng, giá trị cổ phiếu lại nâng lên. Cho nên cần phải song song và ưu tiên nâng cao năng lực của doanh nghiệp, đó là tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn”, ông Hiển khẳng định.
Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng phân tích dữ liệu FiinGroup đánh giá, kế hoạch chi trả cổ tức, dòng tiền ngoại, sự cải thiện về chất lượng tài sản khi tín dụng tăng trở lại và các tín hiệu hồi phục về vĩ mô trở nên vững chắc hơn sẽ giúp gia tăng dòng tiền và tạo động lực về giá với cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.
Theo bà Vân, việc chia cổ tức và tăng vốn điều lệ không chỉ là những quyết định tài chính quan trọng của mỗi ngân hàng mà còn là những bước đi chiến lược, cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng với thị trường của ngân hàng. Những động thái này không chỉ củng cố niềm tin của cổ đông mà còn mở ra cánh cửa tiềm năng cho sự phát triển bền vững và tăng trưởng lâu dài.