Nền kinh tế Nga đang diễn biến xấu hơn
Nền kinh tế Nga đang diễn biến tiêu cực hơn khi lãi suất và thuế tăng cao kỷ lục, cùng với sự sụt giảm của thị trường trái phiếu.
Chỉ số trái phiếu chính phủ Nga (RGBI) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi các lệnh trừng phạt phương Tây được áp đặt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, gây lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế. Đến thứ Sáu vừa qua, chỉ số RGBI giảm xuống còn 96,330 ruble, thể hiện sự thiếu niềm tin từ các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư hiện yêu cầu lợi suất cao hơn, điều này đồng nghĩa với chi phí vay mượn của chính phủ sẽ tăng lên. Tình hình này có thể buộc Nga phải cắt giảm ngân sách hoặc tăng thuế, tạo thêm áp lực cho nền kinh tế vốn đang căng thẳng.
Các ngân hàng, vốn là bên mua chính trái phiếu chính phủ, cũng tỏ ra không mặn mà với việc mua thêm nợ. Một số nhà phân tích tài chính phương Tây cho rằng điều này có thể tạo ra một vòng xoáy nguy hiểm, khi chính sách tài khóa lỏng lẻo dẫn đến điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn, đẩy Nga đến gần nguy cơ suy thoái sâu sắc.
Một chuyên gia nhận định: “Chỉ số trái phiếu giảm mạnh có thể khiến Nga khó tiếp cận với các nhà đầu tư toàn cầu, làm cho việc vay mượn trong tương lai càng thêm khó khăn. Nếu lãi suất tiếp tục cao, khả năng các chính sách kiểm soát tài chính có thể được áp dụng để kiềm chế nền kinh tế."
Cơn bán tháo trên thị trường trái phiếu diễn ra trong bối cảnh hàng trăm trung tâm mua sắm trên khắp nước Nga đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản do gánh nặng nợ nần. Hiệp hội Trung tâm Mua sắm (STTs) ước tính rằng một nửa số trung tâm mua sắm của Nga đang phải gánh chịu khoản nợ lớn, nhiều trung tâm đã vay với lãi suất thả nổi, khiến rủi ro phá sản ngày càng cao.
Theo bà Marina Malakhatko, giám đốc cao cấp tại công ty tư vấn CORE.XP, có ít nhất 200 trung tâm thương mại có nguy cơ phá sản vào năm 2025. Bà cho biết, một số chủ sở hữu hiện đang tìm cách bán tài sản để giảm bớt áp lực tài chính.
Việc trả nợ đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết sau khi Ngân hàng Trung ương Nga buộc phải tăng lãi suất lên 21%, mức cao nhất trong hơn 20 năm qua, gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.
Dũng Phan (Theo Express)