• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nền kinh tế Hàn Quốc nỗ lực bứt phá

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), năm 2021, nền kinh tế Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua nhờ tiêu dùng và xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Seoul đẩy mạnh các nỗ lực trong nước cũng như tăng cường các hoạt động đối ngoại, nhằm tạo đà cho nền kinh tế bứt phá sau những tác động nặng nề của dịch bệnh.

BOK công bố số liệu cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc năm 2021 ước tính tăng 4%, phục hồi mạnh mẽ so với năm 2020 khi nền kinh tế nước này giảm 0,9%, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1998. Năm 2021 cũng là năm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc đạt mức tăng cao nhất trong 11 năm qua, kể từ mức tăng 6,1% từng được ghi nhận năm 2010.

Theo số liệu của BoK, tiêu dùng tư nhân ở Hàn Quốc năm 2021 tăng 3,6%, phục hồi mạnh so với mức giảm 5% năm 2020. Đầu tư cơ sở vật chất tăng 8,3%, cao hơn mức tăng 7,1% năm 2020. Xuất khẩu tăng 9,7%, phục hồi mạnh từ mức giảm 1,8% năm 2020, nhờ doanh số bán chất bán dẫn và các sản phẩm liên quan dầu mỏ ở nước ngoài tăng nhanh. Nhập khẩu tăng 8,4%, so với mức giảm 3,3% năm 2020, do lượng mua dầu thô tăng. 

Chính phủ Hàn Quốc có những bước đi mạnh mẽ nhằm củng cố nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 thông qua mở rộng chi tiêu của chính phủ, bao gồm 2 đợt bổ sung ngân sách và cung cấp các khoản tiền cứu trợ cho người dân gặp khó khăn. Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoK đầu năm 2022 vừa tăng lãi suất cơ bản từ 1%/năm lên 1,25%. Theo đó chỉ trong vòng 5 tháng Hàn Quốc đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm; sau 22 tháng, mức lãi suất cơ bản đã trở lại bằng với mức trước khi COVID-19 xuất hiện ở Hàn Quốc.

Nhận định cuộc khủng hoảng do dịch bệnh tiếp tục gây mất cân bằng trong chuỗi cung ứng, do đó Chính phủ Hàn Quốc cho rằng, Seoul cần đưa ra các giải pháp toàn diện và ở cấp cao hơn nhằm thích ứng với những diễn biến ngày càng phức tạp của môi trường quốc tế. Trong thời gian tới chiến lược kinh tế đối ngoại của Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc giảm thiểu biến động, điều chỉnh sự mất cân bằng và giải quyết tính phức tạp của môi trường kinh tế bên ngoài.

Theo Chiến lược thúc đẩy chính sách kinh tế đối ngoại năm 2022 công bố hôm 25/1, Hàn Quốc xác định tập trung vào mục tiêu tìm kiếm các thị trường mới để dẫn dắt đà phục hồi kinh tế. Seoul tích cực thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các FTA song phương. Trong năm nay, Hàn Quốc dự kiến sẽ nộp đơn gia nhập CPTPP; tập trung hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế kỹ thuật số với Singapore, New Zealand và Chile (DEPA)... 

Hàn Quốc cũng chủ trương góp phần giảm tình trạng mất cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu, theo đó Seoul sẽ chú trọng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với hơn 2 tỷ USD dành cho Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) trong các lĩnh vực phát triển xanh, kỹ thuật số và sức khỏe cộng đồng trong năm 2022. Hàn Quốc và một số nước ASEAN đã nhất trí mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển chung về công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh, thông qua việc khởi động hỗ trợ 6 dự án trong các lĩnh vực công nghệ mới như xe buýt điện, hệ thống quản lý chăn nuôi thông minh, hệ thống chiếu sáng đường phố thông minh...

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki, kinh tế thế giới cho thấy xu hướng phục hồi và dần trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch, tuy nhiên môi trường kinh tế quốc tế được dự báo tiếp tục biến động, mất cân bằng và phức tạp.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc vừa kích hoạt hệ thống ứng phó dịch bệnh trong nước, đồng thời chuẩn bị sẵn các kịch bản phản ứng linh hoạt trước những bất ổn của thị trường tài chính quốc tế, nhằm củng cố nền kinh tế cũng như tạo đà bứt phá, nâng cao vị thế tương xứng sức mạnh kinh tế của đất nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...