Mối quan hệ giữa giới hạn tài chính và chất lượng lợi nhuận
Giới hạn tài chính khiến cho nguồn vốn của công ty trở nên khan hiếm và khó thực hiện được các dự án đầu tư sinh lợi. Vì vậy, lợi nhuận công ty phần nào cũng bị ảnh hưởng. Sự biến động lợi nhuận gây ra do bởi giới hạn tài chính cũng khiến cho chất lượng lợi nhuận của công ty biến đổi theo.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa nợ và chất lượng lợi nhuận chỉ ra hai quan điểm trái ngược nhau. Một mặt, nợ có tác động cùng chiều đối với chất lượng lợi nhuận. Chủ nợ thường đòi hỏi thông tin chất lượng lợi nhuận tốt hơn để đánh giá tình trạng trả nợ, tính thanh khoản, và rủi ro phá sản của công ty được chính xác hơn.
Ngoài ra, nhà quản trị cũng sẵn sàng cung cấp thông tin chất lượng tốt để giảm chi phí tài trợ nợ. Vì thế, họ chủ ý cung cấp thông tin chất lượng tốt hơn về triển vọng tương lai của công ty cho chủ nợ để giảm chi phí vay vốn (Ghosh và Moon, 2010).
Ngược lại, khả năng vay nợ nhiều hơn và chi phí thấp hơn tạo động lực cho nhà quản trị cơ hội tự quyết định BCTC. Thực sự, nhà quản trị công ty tích cực điều chỉnh khoản dồn tích và lợi nhuận tại mức tài trợ nợ cao.
Vì thế nợ có mối quan hệ cùng chiều với chất lượng lợi nhuận, và khoản dồn tích được xem là biến dự báo bị nhiễu cho hiệu quả hoạt động công ty trong tương lai (Watts và Zimmerman, 1986). Ghosh và Moon (2010) đồng ý rằng, trong khi công ty với mức nợ thấp ít có khả năng bóp méo lợi nhuận do bởi rủi ro thấp hơn đối với việc vi phạm các điều khoản cho vay, thì khi mức vay nợ tăng lên công ty lại tận dụng cách thức quản trị lợi nhuận.
Các nghiên cứu hiện tại về mối quan hệ giữa chất lượng lợi nhuận và tài trợ nợ cho kết quả hỗn hợp. Mối liên hệ này có thể là cùng chiều (mức nợ thấp) hoặc ngược chiều (mức nợ cao). Khi mức độ nợ thấp, rủi ro vi phạm các điều khoản nợ thấp hoặc không có, và nhà quản trị sẵn sàng sử dụng các ước tính về mặt kế toán để báo cáo chất lượng lợi nhuận cao và giữ chi phí nợ thấp nhất có thể.
Chất lượng lợi nhuận tốt hơn hay lợi nhuận đem lại nhiều thông tin hơn về hiệu quả hoạt động công ty (dòng tiền tương lai) sẽ giúp giảm rủi ro tín dụng (Francis và cộng sự, 2005; Ghosh và Moon, 2010). Ngược lại, tại mức độ nợ cao, rủi ro vi phạm điều khoản nợ cao hơn và nhà quản trị sẽ tránh chi phí vi phạm điều khoản nợ bằng chi phí rủi ro của điều chỉnh chất lượng lợi nhuận cao hơn (Francis và cộng sự, 2005).
Một số nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa giới hạn tài chính và quyết định tài chính của công ty, đặc biệt là quyết định đầu tư (Almeida và Campello, 2007) và chi phí đầu tư phát triển (Campello, Graham và Harvey, 2010).
Nhà quản trị có quyền quyết định số liệu kế toán báo cáo của công ty. Tuy nhiên, việc quản trị lợi nhuận thì tốn chi phí. Quản trị lợi nhuận không tốt liên quan tới rủi ro kiểm toán, rủi ro tranh chấp, và suy giảm hiệu quả hoạt động tương lai của công ty (Desai, Hogan và Wilkins, 2006; Karpoff, Lee và Martin, 2008).
Tính hữu dụng cao đi kèm với sự sẵn có của nguồn vốn bên ngoài với điều kiện ưu đãi làm gia tăng khả năng báo cáo lợi nhuận mang tính cơ hội của nhà quản trị. Tác động này dễ dàng quan sát thấy tại các công ty bị ràng buộc tài chính hay các công ty chưa thiết lập được danh tiếng của mình trên thị trường tài chính. Công ty bị giới hạn tài chính phải chịu chi phí giao dịch cao hơn công ty không bị giới hạn khi họ tìm kiếm nguồn tài trợ bên ngoài.