Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh mẽ trong mấy năm trở lại đây xuất phát từ nhu cầu huy động vốn của DN cũng như nhu cầu của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nếu như năm 2017, quy mô thị trường trái phiếu DN đạt khoảng 4,9% GDP thì đến năm 2021, quy mô tăng lên 16,6% GDP. Trong năm 2021, các DN phát hành 72.270 tỉ đồng trái phiếu, tăng 56% so với năm 2020. Tổng lượng trái phiếu DN lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 khoảng 1,4 triệu tỉ đồng - con số không hề nhỏ.
Bất động sản là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất, chiếm đến 44% tổng lượng phát hành năm 2021 với mức tăng trưởng 66,3% so với năm 2020. Tiếp đến là lĩnh vực ngân hàng với số lượng trái phiếu phát hành chiếm 31,3% tổng lượng phát hành trái phiếu năm ngoái. Đáng lưu ý, trong đó có hơn 28,3% là trái phiếu "3 không" (không có xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản bảo đảm và không có bảo lãnh thanh toán).
Là kênh huy động vốn cũng như kênh đầu tư hiệu quả, tham gia vào thị trường trái phiếu, nhiều DN sẵn sàng đưa ra lãi suất cao để đạt mục đích huy động vốn. Đây chính là nguồn cơn của nhiều rủi ro. Với sự tăng trưởng nóng và mức độ đóng góp vào GDP ngày càng lớn, nếu một loạt DN hoặc chỉ một DN lớn không có thanh khoản, không trả được nợ thì có thể làm rúng động cả thị trường trái phiếu, đánh sập thị trường chứng khoán, từ đó ảnh hưởng đến thị trường tài chính - tiền tệ và toàn bộ nền kinh tế.
Để trái phiếu DN trở thành kênh huy động vốn hiệu quả, nhà nước cần tăng cường nhiều biện pháp thanh - kiểm tra và kiểm soát, tránh việc DN lợi dụng kẽ hở để che giấu thông tin hoặc sử dụng dòng tiền sai với nội dung công bố. Chúng ta rất mong muốn phát triển thị trường trái phiếu và thực tế thị trường này đã bùng nổ ngoài mong đợi của nhà quản lý. Song, chính tốc độ tăng trưởng quá cao đã khiến thị trường thiếu bền vững, thiếu công khai, minh bạch và cấp thiết phải chấn chỉnh. Việc siết chặt quy định, xử lý nghiêm DN vi phạm sẽ đưa hoạt động phát hành trái phiếu, trong đó có trái phiếu DN bất động sản, đi vào nền nếp, góp phần lành mạnh hoạt động của kênh huy động vốn mới của nền kinh tế.
Đặc biệt, cần bổ sung quy định, điều kiện để cho DN phát hành trái phiếu riêng lẻ, DN chưa niêm yết muốn phát hành trái phiếu nhằm giữ thị trường an toàn và bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư.
Từ những rủi ro của việc phát hành trái phiếu của nhóm DN chưa đại chúng, nhà nước cần nghiên cứu để hình thành, xây dựng, phát triển một thị trường chứng khoán mang tính chất riêng biệt để kinh doanh trái phiếu riêng lẻ với hình thức thị trường phi chính thức. Khi vào thị trường này, người mua biết trước mức độ rủi ro và chủ động xem xét năng lực tài chính, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN để quyết định đầu tư ở mức độ tương xứng, hợp lý. Nếu làm được điều này, thị trường trái phiếu DN mới có thể lành mạnh và phát triển bền vững.