Kinh tế Việt Nam được đánh giá cao
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là động lực chủ chốt giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng không chỉ trong ngắn hạn mà còn về dài hạn.
Theo đài CNBC, Công ty Nghiên cứu thị trường S&P Global Insights (Anh) vừa đưa ra nhận định này, đồng thời cho biết quỹ đạo kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ cùng với dự báo lạc quan về một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu.
Tại hội nghị năng lượng APPEC thường niên mới diễn ra tại Singapore, ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global, cho biết: "Nhìn vào thập kỷ tới, chúng tôi kỳ vọng châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới".
Theo ông Biswas, những điểm sáng quan trọng nhất là Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Ông nhấn mạnh kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng vượt trội trong khi một số nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Philippines, sẽ nằm trong nhóm các thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới.
Bên trong một nhà máy xe hơi ở TP Hải Phòng Ảnh: REUTERS
Quý II/2023, GDP Việt Nam tăng trưởng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kinh tế Indonesia tăng trưởng 5,17% và Philippines 4,3%. Đáng chú ý, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng đến 7,8% trong quý II/2023.
Ông Rajiv Biswas nhắc lại dự báo của S&P Global Insights rằng Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030, với GDP dự kiến tăng từ 3.500 tỉ USD trong năm 2022 lên 7.300 tỉ USD vào năm 2030.
Nhìn chung, S&P Global Insights dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt mức 2,5% trong năm nay và năm tới. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến đạt mức tăng trưởng 4,2% trong năm 2023, so với mức 3,3% năm ngoái. Ông Biswas cho biết: "Trong thập kỷ tới, chúng tôi kỳ vọng rằng khoảng 55% tổng mức tăng GDP của thế giới sẽ đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Mỹ cũng là động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu, đóng góp 15% tăng trưởng GDP của thế giới trong thập kỷ tới. Trong khi đó, Trung Quốc đóng góp khoảng 1/3 mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn này. Dù vậy, ông Biswas lưu ý rằng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự kiến và đà tăng trưởng đang bị ảnh hưởng.