• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam

Gần 2 năm trở lại đây, Thị trường bất động sản (BĐS) luôn trong trạng thái khó khăn với hàng trăm doanh nghiệp phá sản mỗi tháng. Nhiều doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường đều xác định tinh thần bị lỗ, hoặc lợi nhuận có thể giảm tới 80-90% so với trước. Bên cạnh các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, “thiếu vốn” là nguyên nhân chính, khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng “kiệt quệ”. Chính vì vậy, việc khơi thông nguồn vốn cũng như nhanh chóng xử lý các vướng mắc về pháp lý được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản sớm khỏe lại.

Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam

Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cần tháo gỡ. Ảnh: Bảo Chương

Từ những điểm nghẽn trên thị trường

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho rằng: "Điểm nghẽn lớn nhất là hiện nay là các cơ chế chính sách chưa đồng bộ dẫn đến thực trạng hiện nay cung không đủ cầu. Các dự án không được phê duyệt, trong khi nhu cầu về nhà ở rất lớn. Hệ quả làm cho giá nhà tăng cao. Nhà giá rẻ khan hiếm, khiến cho người có thu nhập thấp khó chạm tới giấc mơ an cư. Ngoài ra, các thủ tục pháp lý hiện nay rất phức tạp, kéo dài. Chẳng hạn, để làm một dự án bất động sản có thể kéo dài 3 năm, 5 năm, thậm chí có những dự án đến 15 năm. Ách tắc pháp lý là rào cản rất lớn hiện nay kìm hãm đà tăng của bất động sản.

Trong bối cảnh người dân thì đang “khát” nhà ở giá rẻ, nhưng hàng chục căn hộ tái định cư bỏ hoang, không người đến ở, gây lãng phí lớn".

Đồng quan điểm, Phó GS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội - cũng cho hay: "Dù đã được trao đổi, đóng góp ý kiến rất nhiều lần nhưng những quy định về các BĐS này chưa được đề cập cụ thể, đầy đủ, tường minh. Công tác quy hoạch cần chú trọng hơn, nhất là tại những khu đô thị mới. Tài chính BĐS, bao gồm thuế, phí, các kênh dẫn vốn khác nhau còn bất cập. Như chính sách thuế, đề xuất đánh thuế từ BĐS thứ hai được bàn cãi rất nhiều nhưng cũng chưa có phương án, lộ trình thực hiện khả thi.

Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, cần có giải pháp để khơi thông những điểm nghẽn này trong thời gian tới...".

Tới tình trạng tắc nghẽn dòng tiền

Không chỉ vướng mắc về cơ chế, dòng tiền cho thị trường cũng đang ách tắc. Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2018 là gần 180.000 sản phẩm nhưng sang năm 2019 đã giảm xuống còn gần 110.000, năm 2020 chỉ còn hơn 90.000 sản phẩm. Năm 2023, nguồn cung có sự cải thiện nhẹ lên 55.000 sản phẩm nhưng vẫn chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2018.

TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho rằng: "Sự tắc nghẽn dòng tiền trên thị trường BĐS, vô hình chung cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp của ngành nghề liên quan khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làn sóng thất nghiệp cũng lan rộng từ bất động sản sang rất nhiều ngành nghề, gây ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề an sinh xã hội nói chung" - ông Đính nói.

Nguồn vốn đã, đang và sẽ còn là “áp lực” đối với hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tuy các nút thắt về pháp lý đã có hướng giải quyết theo các bộ luật mới được thông qua (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai). Nhưng nếu vấn đề về “nguồn vốn” không được giải quyết sớm thì chắc chắn nhịp phục hồi của thị trường sẽ bị ảnh hưởng.

Đặc biệt là hai kênh vốn quan trọng nhất là tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam hiện chưa có hoặc chưa phát triển các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS), quỹ nhà ở...

Giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng cho thị trường BĐS

Để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho thị trường BĐS, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, cần sớm ban hành các văn bản, Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ba bộ luật vừa mới được thông qua, bao gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai. Đảm bảo tính “tương thích” giữa ba bộ luật cả về mặt phạm vi, đối tượng, thời gian và không gian.

Với các vấn đề, vướng mắc chưa được tháo gỡ trong luật, các cơ quan bộ, ngành cần chủ động rà soát, tổng hợp, nghiên cứu hướng giải quyết thông qua việc soạn thảo, trình phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù thông qua các nghị quyết để hỗ trợ xử lý, tránh ách tắc kéo dài.

Theo ông Đính, song song với việc điều chỉnh hạ lãi suất, các ngân hàng cần xem xét, nới lỏng điều kiện vay để các doanh nghiệp, khách hàng tăng cơ hội tiếp cận được với các khoản vay. Tránh trường hợp “lãi tuy giảm” nhưng thủ tục lại “chặt”.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản khó khăn, Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoãn nợ các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát, tiếp cận với các khoản vay tín dụng mới để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền bơm vào thị trường, phải hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực.

Với các doanh nghiệp đạt được thỏa thuận vay tại thời điểm lãi suất đang cao, khi lãi suất giảm, ngân hàng nên xem xét, điều chỉnh dần mức lãi suất áp dụng để đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát chỉ đạo Ngân hàng Thương mại tiếp tục rà soát, phân loại các dự án BĐS để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án BĐS đủ điều kiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án BĐS đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.

Bên cạnh đó, cần chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng.

FDI vào bất động sản tăng mạnh

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 5 tháng đầu năm 2024 nước ta đã thu hút được dự án FDI vào 17/21 ngành kinh tế, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với hơn 7,43 tỉ USD, chiếm 67,1% vốn đăng ký, tăng 11,9% so với cùng kỳ, kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với gần 1,98 tỉ USD, chiếm 17,9%, tăng 70,8%, bán buôn bán lẻ hơn 514,2 triệu USD và vận tải kho bãi gần 342,2 triệu USD.

Hội thảo Tháo gỡ "điểm nghẽn", thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển

Với mục tiêu nhìn nhận rõ thực trạng, điểm nghẽn của thị trường, phân tích những khó khăn, thách thức trong phát triển thị trường bất động sản hiện nay, nhất là trước thời điểm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển". Chương trình diễn ra vào 9h ngày 5.7 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội; các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực kinh tế, tài chính, bất động sản; các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình cùng sự quan tâm, theo dõi của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản và các nhà đầu tư quan tâm trên cả nước.

Chương trình được tường thuật trực tuyến trên Báo Lao Động điện tử (www.laodong.vn). 

Bảo Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...