• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ vững đà thu hút vốn FDI

Kết quả giải ngân vốn FDI 11 tháng năm 2022 tăng hơn 15% so với cùng kỳ, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục tăng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, Việt Nam đã và đang từng bước ứng phó linh hoạt, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 11 tháng qua là một điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam.

Niềm tin của nhà đầu tư

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trong 11 tháng qua, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 25,1 tỉ USD. Quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tăng 4,9% so với cùng kỳ, trong đó nhiều dự án sản xuất, chế tạo sản phẩm điện tử, công nghệ cao tăng vốn với quy mô lớn.

Theo báo cáo, 10 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước gồm: TP HCM, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang và Nghệ An. Trong số này, TP HCM dẫn đầu với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần đạt trên 3,5 tỉ USD. Đặc biệt, năm 2022 là lần đầu tiên Nghệ An lọt vào tốp 10 với 883,04 triệu USD. Tại Quảng Ninh, 2,18 tỉ USD là số vốn FDI mà địa phương này đã thu hút được trong năm 2022, tính đến thời điểm hiện tại. Trong đó, dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh đóng góp số vốn "khủng" với trên 1,9 tỉ USD. Một tỉnh khác thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng là Bắc Ninh cũng thu hút hơn 2 tỉ USD vốn FDI.

Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỉ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,52 tỉ USD, chiếm 78,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,44 tỉ USD, chiếm 7,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,43 tỉ USD, chiếm 7,3%.

Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng kết quả trên cho thấy niềm tin nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục tăng. Còn ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, đánh giá giải ngân vốn FDI 11 tháng qua tăng hơn 15% là điểm sáng quan trọng trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn như hiện nay. Vị chuyên gia này cũng khẳng định nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều niềm tin vào nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn quan trọng này theo hướng chọn lọc, bền vững.

Giữ vững đà thu hút vốn FDI - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp của Việt Nam thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua.Ảnh: MINH PHONG

Sử dụng nguồn vốn hiệu quả

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cũng nhìn nhận những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh đã đem lại hiệu quả, minh chứng là dòng vốn FDI giải ngân tăng cao.

Với hàng loạt thách thức đã được các tổ chức kinh tế trên thế giới dự báo cho năm 2023 và giai đoạn tới, ông Doanh cho rằng Việt Nam cần duy trì và đẩy mạnh hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tận dụng sự dịch chuyển của dòng vốn FDI để tạo điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cải thiện môi trường kinh doanh được xem là giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững để doanh nghiệp (DN) FDI sẵn sàng đầu tư.

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, các bộ, ngành, địa phương cần sớm rà soát việc thu hút vốn FDI để ưu tiên nhà đầu tư chiến lược, hình thành chuỗi sản xuất toàn cầu hướng đến công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN trong nước.

Với việc tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 4 trong tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước, đại diện Sở KH-ĐT tỉnh này cho biết tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao vào các khu công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ và giảm tỉ trọng gia công.

Tỉnh Bắc Ninh cam kết trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Song song đó, công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư.

Từ những kết quả lạc quan, Bộ KH-ĐT kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững đà thu hút FDI trong năm tới. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi tình hình vốn FDI đăng ký mới, có biện pháp hiệu quả thu hút vốn FDI và thúc đẩy kết nối DN trong nước với DN FDI để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của DN, nhà đầu tư nước ngoài. 

TP HCM dẫn đầu về số dự án mới

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỉ USD (chiếm 23%), Nhật Bản đứng thứ 2 với trên hơn 4,6 tỉ USD (chiếm 18,3%), Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,1 tỉ USD (chiếm 16,4%); tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Đan Mạch. Về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, TP Hà Nội. Trong đó, TP HCM dẫn đầu về số dự án mới, với hơn 800 dự án.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...