• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp linh hoạt, chủ động gỡ khó đưa giải ngân đầu tư công về đích

Thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công còn rất ít, trong khi áp lực về khối lượng công việc và kế hoạch vốn phải giải ngân là rất lớn với gần 35% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Hàng loạt giải pháp đang được triển khai để các bộ, ngành, địa phương “chạy nước rút” về đích.

Giải pháp linh hoạt, chủ động gỡ khó đưa giải ngân đầu tư công về đích

Thi công cầu Bà Lớn trên đường song hành Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh, TPHCM). Ảnh: Minh Quân

Tỉ lệ giải ngân vẫn còn thấp

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11.2024, ước cả nước giải ngân vốn đầu tư công được trên 410.953 tỉ đồng, đạt 54,8% tổng kế hoạch; đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉ lệ giải ngân ước 11 tháng thấp hơn cùng kỳ năm trước và vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp.

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện còn 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỉ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 40% như: TP Hồ Chí Minh (22,52%), Phú Yên (30,78%), Bắc Ninh (34,13%), Kiên Giang (34,31%)... Một số bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân rất thấp như: Ủy ban Dân tộc (6,87%), Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (11,85%), Đại học Quốc gia Hà Nội (14,49%)…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công không còn nhiều, nhưng việc thực hiện các dự án đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn lớn nhất là vấn đề vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông do liên quan đến nhiều quy định pháp lý như Luật Khoáng sản, việc cấp phép khai thác mỏ vật liệu, việc bán vật liệu cho xây dựng công trình; giải phóng mặt bằng, bồi thường, xác định giá đất, chính sách tái định cư, tình trạng né tránh đùn đẩy…

“Chính phủ đã nhận diện và đang tăng cường thành lập các đoàn công tác để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Công nhân gấp rút thi công trên công trường nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.   Ảnh: Minh Quân

Công nhân gấp rút thi công trên công trường nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Ảnh: Minh Quân

Quyết liệt gỡ khó

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1006/QĐ-TTg thành lập 7 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, tổ công tác số 5 do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, kiểm tra các bộ, cơ quan trung ương.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung, quyết liệt, chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo. Kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn ở cấp thẩm quyền của mình, tích cực nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật mới để triển khai, đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế quốc dân - cho biết: “Để thực hiện được mục tiêu, cần phải quyết liệt, nhanh chóng triển khai và tháo gỡ những vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách quy định liên quan đến các thủ tục về đất đai, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, các địa phương cũng cần có cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; gỡ vướng những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA…”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, vừa qua Luật Đầu tư công tại Kỳ họp thứ 8 được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 đã có rất nhiều nội dung sửa đổi mang tính đột phá. Đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục đầu tư… Sắp tới khi Luật Đầu tư công mới có hiệu lực sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ. Từ đó, giải phóng nguồn lực đầu tư công nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong kế hoạch trung hạn 2026-2023.

Dốc toàn lực đưa giải ngân vốn đầu tư công về đích

Tại các địa phương đặc biệt là các tỉnh có tỉ lệ giải ngân thấp, nhiều giải pháp đang được triển khai. Ông Phạm Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - cho biết, khoảng 4.000 tỉ đồng vốn đầu tư công hiện bị "kẹt" tại các dự án cần điều chỉnh quy hoạch cục bộ tỉ lệ 1/2000 hoặc 1/500. Một số dự án quan trọng cần sự phê duyệt từ các cơ quan Trung ương, như dự án chống ngập do triều cường gắn với biến đổi khí hậu và dự án Metro số 1, cũng khiến tốc độ giải ngân bị chậm. Tổng số vốn đầu tư của nhóm này lên đến khoảng 10.000 tỉ đồng.

Do đó, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nhấn mạnh, thành phố sẽ linh hoạt vận dụng các quy định pháp luật để thực hiện đồng thời nhiều thủ tục như điều chỉnh quy hoạch, cấp giấy phép môi trường và phê duyệt dự án đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cản trở công tác giải ngân.

Theo ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - TPHCM có 176 dự án liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm 2024. Sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, tổng vốn đầu tư tăng lên hơn 30.000 tỉ đồng do các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng được bổ sung. “Khi Luật Đất đai mới đã được áp dụng, TPHCM và các sở, ngành, địa phương đang tập trung giải ngân hơn 30.000 tỉ đồng đối với nhóm dự án này trong tháng 12” - ông Trực nói.

Còn tại Đắk Lắk, UBND tỉnh đã lập thêm ban chỉ đạo riêng, theo sát tiến độ từng dự án để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đồng thời mạnh tay xử lý nhà thầu chậm trễ trong thi công.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...