• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá vàng hôm nay chao đảo, dân buôn "toát mồ hôi"

Giá vàng biến động lên xuống liên tục và chưa định hình rõ xu hướng.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 7/4, giá vàng trong nước được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào 68,05 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68,65 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 600.000 đồng/lượng.

So với mở cửa phiên giao dịch trước, ngày 6/4, giá vàng tại DOJI giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết, giá vàng mua vào 68,1 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68,75 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 650.000 đồng/lượng.

So với mở cửa phiên giao dịch trước, giá vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC cùng giảm 50.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.

Giá vàng hôm nay chao đảo, dân buôn "toát mồ hôi" - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Trên thị trường thế giới, giá vàng đầu ngày tăng thêm 8 USD so với hôm qua, lên 1.924 USD/ounce. Quy đổi theo giá USD ngân hàng hiện nay mỗi lượng vàng thế giới khoảng 53,35 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Vàng miếng SJC trong nước tiếp tục cao hơn thế giới khoảng 15,4 triệu đồng/lượng.

Mặc dù đang dao động trong biên độ không quá rộng nhưng giá kim loại quý liên tục biến động lên xuống, có lúc lên tới 1.933 USD, lúc lại xuống chỉ còn 1.915 USD khiến giới đầu tư chưa thể định hình được xu hướng của vàng.

Hôm qua, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã công bố biên bản cuộc họp trong tháng 3. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá biên bản này không có bất ngờ và cũng không cho thấy một tin hiệu diều hâu nào trong việc thắt chặt tiền tệ. Điều này cho phép thị trường kim loại quý tăng cao hơn trong một thời gian ngắn.

Ngành công nghiệp vàng của Nga gần đây không bán vàng sang các nước châu Âu. Do vậy, nguồn cung trên thế giới suy giảm.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã bán ròng vàng trong hai tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, dự báo họ sẽ mua ròng. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự bất ổn địa chính trị đáng kể, khiến một số quốc gia đặt câu hỏi về vai trò của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Vàng biến động mạnh trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch cấm nhập khẩu than từ Nga do cuộc chiến tại Ukraine. Nhiều dự báo cho rằng, giá năng lượng sẽ tăng mạnh, qua đó làm cho lạm phát ngày càng leo thang. Nhiều người đã đưa vốn vào vàng để trú ẩn.

Trong khi đó, Fed tăng mạnh lãi suất có thể sớm làm hạ nhiệt lạm phát. Áp lực chốt lời khi vàng lên ngưỡng 1.945 USD/ounce đã nhanh chóng kéo vàng về trở lại vùng 1.920 USD/ounce.

Về dài hạn, vàng vẫn được coi là một tài sản hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương đang tìm cách đa dạng hóa khỏi đồng USD. Dù vậy, một số nhà kinh tế khẳng định, phải mất nhiều thập kỷ trước khi USD mất vị thế thống trị, vì nó hiện chiếm khoảng 60% dự trữ toàn cầu.

Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng kỳ hạn tháng 6 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc 2.000 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.850 USD/ounce.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết