Giá khí đốt châu Âu biến động suốt năm 2022?
Các nước châu Âu có nguy cơ cạn nguồn khí đốt tự nhiên trong 2 tháng tới do thời tiết lạnh giá và lượng khí đốt trong kho dự trữ xuống thấp.
Giá khí đốt tại châu Âu hôm 4-1 đã tăng hơn 30% do những lo ngại về nguồn cung hạn chế từ Nga trong bối cảnh châu lục này đang bước vào mùa đông lạnh giá.
Đường ống thường vận chuyển khí đốt từ Siberia đến châu Âu đã chuyển hướng khí đốt từ Đức đến Ba Lan trong ngày thứ 15 liên tiếp, thay vì di chuyển vào châu Âu theo hướng Tây như thường lệ.
Trong khi đó, nguồn cung cấp khí đốt của Nga từ Ukraine đến Slovakia cũng giảm. Thời tiết lạnh hơn ở châu Âu góp phần làm tăng áp lực lên giá khí đốt nhưng nguồn cung thấp từ Nga được cho là nguyên nhân chính.
Hôm 4-1 (theo giờ địa phương), giá khí đốt trong tháng giao ngay ở Hà Lan tăng 30% lên mức 99,50 euro/MWh. Theo tờ Guardian, tại Anh, các nhà cung cấp năng lượng đã cảnh báo chi phí tiêu thụ khí đốt trung bình mỗi hộ gia đình có thể tăng lên hơn 2.000 bảng Anh/năm vào tháng 4, gây áp lực buộc chính phủ phải hành động trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Kể từ tháng 1-2021 đến nay, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng hơn gấp 5 lần, khiến người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, đồng thời đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Châu Âu đã trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ năm ngoái khi việc dỡ bỏ các hạn chế phòng ngừa dịch Covid-19 đòi hỏi nhu cầu rất lớn đối với các kho dự trữ khí đốt tự nhiên.
Các đường ống dẫn khí đốt tại một trạm nén khí ở Mallnow - Đức tháng 11-2021 Ảnh: Reuters
Các chuyên gia hãng Bloomberg nhận định: "Còn 2 tháng lạnh nhất của mùa Đông ở phía trước và xuất hiện những lo ngại cho rằng châu Âu có thể cạn kiệt khí đốt".
Ông Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn Wood Mackenzie (Anh), cho rằng cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là dựa vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Ông Di Odoardo thừa nhận các nước châu Âu không thể đạt được mức dự trữ khí đốt cần thiết trong các kho chứa nếu không có nguồn cung bổ sung từ Nga qua tuyến đường ống Nord Stream 2 hoặc các tuyến đường ống khác. Ông Di Odoardo cho rằng năm 2022 sẽ là một năm đầy biến động đối với giá khí đốt tại châu Âu.
Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng nhiên liệu ở châu Âu được kích hoạt bởi quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và giảm sản lượng khí đốt tự nhiên.
Bên cạnh đó, theo Reuters, một số nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã cáo buộc Nga, quốc gia cung cấp hơn 40% khí đốt tự nhiên cho khối này, sử dụng cuộc khủng hoảng năng lượng làm đòn bẩy với các nước EU.
Moscow bị cáo buộc đã hạn chế nguồn cung khí đốt để đổi lại việc Đức phải chấp thuận khởi động đường ống Nord Stream 2 mới được xây dựng - hệ thống cung cấp khí đốt sang Đức. Phía Nga cho rằng đường ống Nord Stream 2 sẽ thúc đẩy xuất khẩu khí đốt và giúp hạ nhiệt giá khí đốt đang tăng cao ở châu Âu.
Ông Maximo Miccinilli, người đứng đầu bộ phận năng lượng và khí hậu của Công ty Tư vấn FleishmanHillard EU tại Brussels, cho rằng: "Cuộc khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đến EU khi an ninh về nguồn cung khí đốt không nằm trong kế hoạch của các nhà hoạch định chính sách".
Chuyên gia này cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ khiến giá cả biến động và gây ra căng thẳng chính trị hơn nữa giữa các cơ quan quản lý ở Brussels và giới lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên.