• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá cao, vướng thủ tục, người lao động khó tiếp cận nhà ở xã hội

Giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ hướng đến mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Việc triển khai đề án trên đã và đang được các bộ, ngành, địa phương vào cuộc. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu, phục vụ đúng đối tượng.

Giá cao, vướng thủ tục, người lao động khó tiếp cận nhà ở xã hội

Nhu cầu nhà ở xã hội tại các thành phố, khu công nghiệp còn rất lớn. Ảnh: Phan Anh

Người lao động đang khó tiếp cận nhà ở xã hội

Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 30.7.2024, cả nước đã triển khai 619 dự án NƠXH với quy mô 561.816 căn. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã hoàn thành 8 dự án (4 dự án hoàn thành toàn bộ, 4 dự án hoàn thành một phần) với quy mô 3.136 căn; 5 dự án được cấp phép khởi công với quy mô 8.468 căn; 9 dự án đã có chủ trương đầu tư, quy mô 8.795 căn.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 1 triệu căn hộ đến năm 2030, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh đó, một thực tế cần tìm giải pháp là người lao động đang khá khó khăn để tiếp cận, thuê, mua nhà ở xã hội giá rẻ.

Ông Nguyễn Hùng Quang - đại diện Công đoàn khu Kinh tế Hải Phòng - cho biết: “Từ thống kê thu nhập của công nhân lao động trực tiếp, thu nhập sau khi trừ bảo hiểm xã hội (BHXH) là 8,4 triệu đồng/người/tháng, mức này đã bao gồm tiền làm thêm. Hải Phòng có các phân khu nhà khác nhau. Với khu công nghiệp thành lập cách đây khoảng 20 - 30 năm, giá thuê nhà sẽ rẻ, bình quân từ 500.000 - 700.000 đồng/phòng trọ. Thực tế, hiện nay chỉ khoảng 5.000 - 7.000 người được ở khu này. Đối với các khu mới, được cải tạo sạch sẽ hơn nhưng chỉ 10 - 12m2/căn. Tuy nhiên, giá thuê đang rất cao so với thu nhập của người lao động. Chính vì vậy, nhiều người chỉ làm một thời gian rồi lại về quê”.

Về vấn đề mua nhà ở xã hội, ông Quang nhận định, việc chuẩn bị thủ tục mất nhiều thời gian và giá mua cũng quá cao. Nhiều công nhân chia sẻ, với giá nhà từ 500 - 800 triệu đồng xây thô, họ lựa chọn mua mảnh đất ở xa để sở hữu sẽ tốt hơn.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại chia sẻ tình huống éo le khi những người lao động, công nhân, thợ lò của đơn vị này không đủ điều kiện mua vì có mức thu nhập cao hơn mặt bằng chung.

Bà Minh cho biết, thời gian qua nguyện vọng của người lao động bị loại rất nhiều: “Thu nhập của ngành than bình quân 17 triệu đồng/người/tháng; thợ lò là 20 triệu đồng/người/tháng. Xét về tiêu chí thu nhập, công nhân không đáp ứng được Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng có thể mua nhà ở xã hội. Mới đây, Nghị định 100/2024/NĐ-CP đã nâng lên mức thu nhập là 15 triệu đồng/tháng tuy nhiên lại gây khó khăn hơn cho người lao động. Do mức lãi suất cho người lao động mua nhà trước đó là 4,8 - 5%, đến nay quy định 6,6%. Như vậy, người lao động phải trả 3,8 triệu đồng/tháng theo quy định mới.

Qua khảo sát sau 6 tháng triển khai các dự án, đã bán được hơn 300 căn nhưng người lao động ở đây chỉ có 10 người mua được do vướng quy định mức thu nhập. Đặc biệt, mức lãi suất theo quy định mới này còn thả nổi, khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất lên, người lao động sẽ phải tiếp tục trả thêm lãi. Vì vậy, công đoàn không dám cam kết cũng như vận động người lao động mua nhà ở nhà xã hội”.

Nên tham khảo kinh nghiệm thế giới

Để tháo gỡ bài toán tài chính phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, TS Phạm Văn Khánh - Trưởng ban Kinh tế - Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho rằng, nên học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác về chính sách nhà ở cho lao động có thu nhập thấp.

“Tại Hàn Quốc, mỗi thời kỳ đều có kế hoạch và chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp khác nhau. Đặc biệt, việc phân bổ chi phí xây dựng cho từng loại hình nhà ở cho thuê rõ ràng” - ông Khánh cho hay.

Theo vị chuyên gia, chiến lược tài chính phát triển nhà ở xã hội cần bao trùm, đồng bộ từ việc huy động, nguyên tắc, sử dụng vốn đến các chính sách ưu đãi phát triển. Trách nhiệm tài chính các cấp, các quỹ, chủ đầu tư... cần cụ thể hơn. Đặc biệt, cơ chế tài chính cần có nhiều phân khúc và cụ thể cho từng phân khúc, phù hợp từng thời kỳ; lãi suất cho vay cả bên cung và cầu phải thấp hơn mức đang thực hiện.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết