Doanh nghiệp xuất khẩu cần "ôxy"
TP HCM xác định tăng trưởng xuất khẩu theo mô hình con cá chép; cơ chế, chính sách chính là "ôxy" hỗ trợ mô hình này phát triển.
Ngày 18-1, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã phối hợp với Sở Công Thương TP HCM tổ chức hội thảo "Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh dịch Covid-19".
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của TP HCM giảm
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Lê Huỳnh Minh Tú thông tin do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của DN TP HCM chỉ tăng 1% so với năm 2020, đạt 44,9 tỉ USD. Hầu hết thị trường xuất khẩu chủ yếu của TP HCM đều có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Mỹ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và châu Âu (EU) giảm 0,8%...
Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái (TP HCM) những ngày đầu năm 2022 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP HCM đang được triển khai tốt nhưng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN khó có thể phục hồi sớm. Ngoài ra, các vấn đề về nhân công, tài xế, kho bãi, giá cước vận tải biển tăng cao, tình trạng thiếu hụt container… vẫn đang khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP HCM, nhìn nhận Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở xuất khẩu cao với mức tăng trưởng nhanh, từ kim ngạch xuất khẩu 14,5 tỉ USD năm 2000 tăng lên 336 tỉ USD năm 2021, tức tăng 23 lần sau hơn 20 năm. Tuy vậy, trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của TP HCM có xu hướng giảm dần và cần có sự nhìn nhận, đánh giá lại.
Ông Hiếu cho biết tăng trưởng xuất khẩu của TP HCM được thiết kế theo mô hình con cá chép theo định hướng phát triển xuất khẩu đến 2030. Trong đó, phần bụng cá là khu vực phát triển ngắn hạn với những sản phẩm xuất khẩu truyền thống, có kim ngạch lớn, tạo nhiều công ăn việc làm như dệt may, da giày. Phần xương sống là khu vực phát triển dài hạn với những sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Cũng nằm trong nhóm phát triển dài hạn là logistics, dịch vụ nền và các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, tương ứng với các vị trí đầu cá và 2 vây cá. Đặc biệt, khu vực đuôi cá đóng vai trò quan trọng trong tốc độ tăng trưởng nói chung của toàn mô hình, tương ứng với xuất khẩu sản phẩm ở khu vực dịch vụ và sản phẩm số hóa, gồm: phần mềm và nội dung số, bưu chính, viễn thông, bưu điện, du lịch…
"Để làm được, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giống như ôxy trong môi trường nước có thể hỗ trợ con cá phát triển" - ông Nguyễn Khắc Hiếu nhấn mạnh.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Tại hội thảo, đại diện các DN cũng nêu vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu và kiến nghị chính sách hỗ trợ.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, trong bối cảnh hiện nay, DN xuất khẩu phải đối diện với khó khăn về giá nguyên phụ liệu cho sản xuất tăng 15%-40% so với thời điểm trước dịch và phí dịch vụ logistics tăng cao gấp nhiều lần. Đây là 2 vấn đề chính khiến các DN tỏ ra khá thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới. "Khó khăn, vướng mắc đối với các DN xuất khẩu ngành lương thực thực phẩm hiện nay nằm ở nhân công thời vụ, vốn sản xuất và các hàng rào kỹ thuật khắt khe" - bà Chi nhìn nhận.
Lãnh đạo Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế với các chính sách được thiết kế khoa học, sát với nhu cầu, điều kiện của DN, tính khả thi cao. Cùng với đó là các gói hỗ trợ đặc biệt cho DN có khả năng phục hồi nhanh ở những ngành quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội để sớm tạo sức bật cho nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP HCM, kiến nghị cần điều chỉnh, tạo sự linh hoạt, thống nhất trong các quy định; tạo cơ chế đặc biệt cho các DN logistics Việt Nam dẫn dắt thị trường để nhóm này phát huy vai trò dẫn dắt thị trường, giảm chi phí, giúp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và hàng hóa Việt Nam. Cùng với đó, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức, tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, kết nối khu vực giúp tăng khả năng cạnh tranh thương mại của Việt Nam trên toàn cầu.
"Cần có sự quan tâm, định hướng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng hệ thống kỹ năng cần thiết - hướng đến mục tiêu người được đào tạo sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế tại DN, hướng đến sự minh bạch năng lực trong ngành dịch vụ logistics, phối hợp với các trung tâm đào tạo, Hiệp hội Quốc tế (FIATA) để xây dựng giáo trình phù hợp, bảo đảm chất lượng đào tạo" - ông Cường đề xuất.