Định hình không gian chợ truyền thống trong siêu đô thị TPHCM
Sắp xếp lại quy hoạch, đầu tư hạ tầng và số hóa linh hoạt là những giải pháp trọng tâm để giữ vai trò thiết yếu của chợ truyền thống trong lòng siêu đô thị TPHCM.
TPHCM tái cấu trúc chợ truyền thống trong chiến lược thương mại đô thị mới. Ảnh: Ngọc Lê
Chợ truyền thống cần hiện đại hóa
Hiện nay, kênh thương mại hiện đại trên quy mô cả nước chỉ chiếm khoảng 25% thị phần, trong khi đến 75% vẫn thuộc về kênh truyền thống như chợ dân sinh và cửa hàng tạp hóa. Ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op - cho biết, thực tế này không chỉ đặc thù ở Việt Nam, mà còn phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển như Singapore hay Hàn Quốc, nơi các mô hình chợ truyền thống vẫn phát triển mạnh và được xem là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái thương mại đô thị.
Tuy nhiên, bài toán hiện đại hóa chợ truyền thống không hề đơn giản. Tại TPHCM, Saigon Co.op từng được giao nghiên cứu mô hình mới tại chợ Hòa Bình và một số chợ khác. Nhưng theo ông Sơn, vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở cơ cấu sở hữu và vận hành hiện tại - vốn manh mún, phân tán và thiếu định hướng đầu tư bài bản, khiến các đơn vị khó tham gia tái cấu trúc hoặc rót vốn dài hạn.
“Ngày nay, chợ không chỉ đơn thuần là nơi mua bán hàng hóa, mà còn cần đảm đương vai trò không gian văn hóa, phục vụ du lịch và kết nối cộng đồng” - ông Sơn nói. Do đó, để giữ gìn và phát triển đúng vai trò này, cần có sự vào cuộc của các đơn vị chuyên nghiệp, đồng thời tái cấu trúc chợ theo định hướng quy hoạch đô thị mới.
Về giải pháp, ông Sơn đề xuất phân loại chợ thành hai nhóm chính. Một là chợ đa năng như chợ Bến Thành, phục vụ cả mua sắm, du lịch và văn hóa. Hai là chợ địa phương, đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho cộng đồng, đặc biệt là người lao động và nhóm thu nhập thấp. “Không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận thương mại hiện đại. Ở nhiều nước, quy hoạch chợ luôn đi kèm phát triển khu dân cư” - ông Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp hạ tầng là yêu cầu cấp bách, khi nhiều chợ trung tâm như Bến Thành đang xuống cấp nghiêm trọng. Song song đó, là cần đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa.
Một trong những hướng đi hiệu quả là số hóa hoạt động chợ. Nhưng thay vì áp đặt một mô hình cứng nhắc, ông Sơn cho rằng có thể học kinh nghiệm từ Indonesia - nơi cho phép tiểu thương tự lựa chọn công cụ số phù hợp, từ đó chủ động ứng dụng trong quản lý hàng hóa và thanh toán, tránh rào cản công nghệ hoặc tâm lý e ngại ban đầu.
Tái cấu trúc không gian thương mại trong siêu đô thị mới
Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính, TPHCM đã trở thành một siêu đô thị cả về quy mô dân cư lẫn hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, ngành thương mại - dịch vụ hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn, đòi hỏi chiến lược phát triển mới, đồng bộ hơn.
Ngành Công Thương TPHCM đã xác định 5 định hướng trọng tâm trong giai đoạn sắp tới: Phát triển không gian thương mại - dịch vụ gắn với đô thị đa trung tâm, tận dụng lợi thế hướng biển và tăng cường liên kết vùng. Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lấy chợ truyền thống, hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm trong việc cải thiện vận hành, quản trị và kết nối chuỗi cung ứng.
Tái cấu trúc chuỗi cung ứng cho các ngành hàng chiến lược như nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh…, nhằm tăng tính thích ứng và bền vững. Phát triển hạ tầng thương mại - logistics thông minh, hiện đại và đồng bộ. Thúc đẩy liên kết vùng, hình thành các chuỗi giá trị liên tỉnh nhằm mở rộng thị trường và quy mô tiêu dùng.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là thấu hiểu sự phân hóa trong hành vi tiêu dùng của người dân ở từng khu vực. Ông Lê Hoàng Long, đại diện NielsenIQ Việt Nam, nhận định: “Sức mua tại TPHCM vốn đã mạnh, nay càng lớn hơn sau sáp nhập. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ đặc thù tiêu dùng từng vùng, tránh triển khai dàn trải hoặc áp dụng chung một mô hình”.
Trong bối cảnh TPHCM đang nỗ lực tái định hình diện mạo thương mại đô thị, chợ truyền thống - dù không còn là “ngôi sao” trong chuỗi cung ứng hiện đại - vẫn là một phần không thể thiếu. Đầu tư bài bản, quy hoạch hợp lý và linh hoạt trong chuyển đổi số là những bước đi cần thiết để không chỉ giữ mà còn phát huy vai trò đặc biệt của loại hình này trong một đô thị hiện đại, đa trung tâm và hướng tới phát triển bền vững.