Đẩy mạnh cải thiện và tiếp nhận công nghệ mới tạo năng lượng sạch và xanh
Sáng 5-12, tại Hà Nội, tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” là sự kiện thứ ba của chuỗi tọa đàm "Khoa...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có tới 7 triệu người tử vong sớm vì ô nhiễm không khí. Đây là vấn đề nghiêm trọng tại nhiều khu vực, trong đó hoạt động giao thông vận tải là nguồn chính gây khói mù đô thị và suy thoái môi trường.
Tại phiên tọa đàm, dưới sự dẫn dắt của GS. Susan Solomon, Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, các nhà khoa học đã trao đổi về: Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn; vai trò của xe điện trong việc chuyển đổi ngành giao thông, cải thiện chất lượng không khí; góp ý cho các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp trong việc xây dựng các chiến lược để giải quyết ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông, thúc đẩy phát triển bền vững.
PGS. Hồ Quốc Bằng, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là từ sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải. Các hoạt động giao thông đường bộ sản sinh hơn 13,4 triệu tấn CO2eq/năm, riêng xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất.
Nghiên cứu của PGS. Hồ Quốc Bằng chỉ rõ, tại Hà Nội, với khoảng 8,5 triệu dân (thống kê năm 2022), hơn 6,1 triệu xe máy, khoảng 700 nghìn xe ôtô và gần 2.000 nhà máy có khí phát thải, các hoạt động giao thông đường bộ sản phát thải ra các khí như NOx (87%), CO (92%), SO2 (57%), NMVOC (86%), CH4 (96%) và 74% PM2.5. Hoạt động sản xuất công nghiệp phát thải 39% khí S02. Kiểm kê phát thải dùng mô hình emisen thì Hà Nội có tỉ lệ phát thải giao thông lớn nhất.
Theo GS. Daniel Kammen (Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ), giảm lượng phát thải carbon trong ngành điện và ngành giao thông là chìa khóa để đạt được lợi ích về chất lượng không khí. Xe điện có vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí CO2 và các khí nhà kính khác. Tuy nhiên, hiện nay, công nghệ xe chạy điện chỉ áp dụng được với xe hạng nhẹ, chưa có giải pháp cho xe hạng nặng. Bởi vậy, thách thức đặt ra là công nghệ cho xe điện hạng nặng.
Để cải thiện chất lượng không khí và biến đổi khí hậu, GS. Yafang Cheng (Viện nghiên cứu Hóa học Max Planck, Đức) cho rằng, cần phải cải thiện công nghệ, tiếp nhận công nghệ mới tạo năng lượng sạch và xanh để tất cả mọi người có thể chi trả được.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhất trí rằng, thúc đẩy tiến bộ trong hành động vì khí hậu và công bằng xã hội đòi hỏi một chiến lược thúc đẩy liên ngành giữa khoa học và chính sách. Nhà nước cần đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản để tìm ra nguyên nhân và cơ chế gây ô nhiễm làm cơ sở để xây dựng chính sách (ví dụ: Nghiên cứu về hóa học khí quyển chỉ ra rằng việc giảm lượng SO2 trong khí quyển sẽ làm giảm sự hình thành PM2.5); thiết lập các vùng phát thải thấp tại các đô thị lớn, kết hợp với các hệ thống quan trắc chất lượng không khí tự động; bổ sung các quy định về kiểm tra khí thải định kỳ cho xe gắn máy và xe hơi để giảm thiểu tác động của giao thông đến chất lượng không khí. Đặc biệt, cần đầu tư vào hạ tầng sạc công cộng và các chính sách hỗ trợ tài chính thúc đẩy người dân chuyển đổi sử dụng xe điện.
“Trong hành trình này, sẽ không có cây đũa thần nào giúp ta đạt mục tiêu ngay lập tức mà cần sự chung tay, các quốc gia đang phát triển rất cần sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển” - GS. Susan Solomon nhấn mạnh.