Cửa ngõ duy nhất cho khí đốt Nga trở lại châu Âu
Nếu khí đốt Nga trở lại châu Âu, việc vận chuyển cần phải đi qua Ukraina, Atlantic Council nhận định.
Ukraina trở thành tuyến đường khả thi nhất để nối lại nguồn cung khí đốt Nga cho châu Âu. Ảnh: Xinhua
Khả năng nối lại nguồn cung khí đốt Nga sang châu Âu trong khuôn khổ thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraina đang được thảo luận tích cực.
Về mặt kỹ thuật, điều này hoàn toàn khả thi: Hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraina có thể vận chuyển tới 100 tỉ m3 khí đốt Nga tới châu Âu.
Ngoài Ukraina, thông tin về khả năng nối lại nguồn cung khí đốt Nga cho Liên minh châu Âu (EU) qua Nord Stream cũng đang được lan truyền.
Theo Atlantic Council, Nga cực kỳ quan tâm đến việc nối lại nguồn cung cho thị trường khí đốt châu Âu. Kể từ năm 2021, Nga đã mất hơn 100 tỉ m3 khí đốt xuất khẩu mỗi năm sang châu Âu, làm suy yếu sự ổn định tài chính của Gazprom.
Những nỗ lực của Gazprom nhằm chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Á và Trung Quốc không mang lại nhiều lợi nhuận, do giá khí đốt tại các khu vực này thấp hơn ở châu Âu tới 2,5 lần.
Hơn nữa, năng lực xuất khẩu khí đốt qua đường ống dẫn khí tới những thị trường này rất hạn chế. Hiện tại, Nga chỉ có thể xuất khẩu 38 tỉ m3 khí đốt/năm sang Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia.
Khả năng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga cũng bị hạn chế nghiêm trọng do lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Để bù đắp cho việc mất thị trường châu Âu, chính phủ Nga buộc phải tăng giá khí đốt ở trong nước.
Chính phủ Nga và một số thành viên cực hữu tại Đức thường xuyên nêu vấn đề nối lại nguồn cung khí đốt Nga cho Đức qua nhánh còn lại của đường ống Nord Stream 2, có công suất 27,5 tỉ m3 mỗi năm. Tuy nhiên, giới chức Đức kiên quyết bác bỏ khả năng này.
Các quốc gia Bắc Âu khác, như Ba Lan và các nước Baltic, cũng phản đối mạnh mẽ việc khôi phục dòng khí đốt qua Nord Stream, do lo ngại tình trạng quân sự hóa gia tăng tại Biển Baltic và nguy cơ châu Âu tái phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Việc nối lại dòng khí qua Ba Lan cũng khó khả thi cả về chính trị lẫn kỹ thuật, vì đường ống Yamal - châu Âu hiện gần như đã được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống khí đốt nội địa của Ba Lan và không còn khả năng tiếp nhận khí đốt từ Nga.
Điều này khiến Ukraina trở thành tuyến đường khả thi nhất để nối lại nguồn cung khí đốt Nga cho châu Âu.
Về phía Ukraina, khoản doanh thu khoảng 400-600 triệu USD mỗi năm từ việc trung chuyển khí đốt Nga là con số rất nhỏ trong tổng thể nền kinh tế.
Do vậy, việc nối lại hoạt động trung chuyển khí đốt Nga cần được đặt trong bối cảnh chung của thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập hòa bình lâu dài.
Việc tiếp tục trung chuyển dầu của Nga và nối lại trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraina có thể giúp Nga thu được tới 12 tỉ USD mỗi năm.
Do đó, Ukraina có quyền trông đợi không chỉ phí trung chuyển khoảng 200 triệu USD cho dầu và 400-600 triệu USD cho khí đốt, mà còn cả những nhượng bộ đáng kể khác từ phía Nga.
Những nhượng bộ này có khả năng bao gồm việc Ukraina kiểm soát lại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nơi có khả năng sản xuất 6 gigawatt điện mỗi năm nhưng Nga đã kiểm soát từ năm 2022.
Việc này sẽ giúp cân bằng hệ thống điện của Ukraina, vốn đã bị hư hại trong các đợt tấn công tên lửa và máy bay không người lái của Nga, giúp Ukraina không còn phải nhập khẩu điện từ EU.
Điểm đáng lưu ý là việc Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia không mang lại lợi ích kinh tế bởi không thể tái khởi động nhà máy nếu không khôi phục được hồ chứa nước Kakhovka - điều khó thực hiện nếu không có sự hợp tác của Ukraina.