Chuyên gia kinh tế chỉ "mẹo" bỏ túi tiết kiệm khi mua sắm Tết
Theo chuyên gia, một trong những "mẹo" để tiết kiệm khi mua sắm là người tiêu dùng nên mua hàng Tết tại những địa chỉ quen thuộc.
Do ban ngày làm công việc văn phòng, tối đến lại lo cho gia đình nên chị Trần Thị Thuận (37 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) không có thời gian để mua sắm Tết.
Bởi vậy, ngay sau khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng của năm (ngày 19/1), chị Thuận mới bắt đầu lên kế hoạch mua sắm cho Tết Quý Mão 2023.
Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm không nhiều, chủ yếu là các loại gia vị cho căn bếp và bánh, kẹo, mứt, rượu… nên chị Thuận và đình đã lựa chọn siêu thị lớn để mua sắm.
Chị Thuận cho biết: "Những năm trước đây, gia đình tôi thường mua ở cửa hàng tạp hóa gần nhà cho tiết kiệm thời gian và tiện lợi, tuy nhiên, do lo lắng việc mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa kém chất lượng và bản thân nhận thấy hàng hóa ở siêu thị lớn được khuyến mại khá hấp dẫn nên tôi đã sắm Tết ở siêu thị lớn".
Theo chị Thuận, vì ít có kinh nghiệm trong mua sắm Tết, chị Thuận lựa chọn sắm Tết ở siêu thị lớn vừa có thể mua được tất cả các mặt hàng cùng lúc, vừa mua được hàng hóa đảm bảo chất lượng và có thể tiết kiệm hơn.
Ngày 20/1, trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đã chia sẻ một trong những "mẹo" mua sắm tiết kiệm ngày Tết.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, sau 2 năm dịch COVID-19, có khoảng hơn 70% người dân khó khăn hơn về kinh tế so với những năm trước, 30% còn lại là người có tiền có thể vẫn chi tiêu rủng rỉnh.
Cũng vì khó khăn hơn nên năm nay, trong chi tiêu, đại đa số người dân sẽ tính toán hơn. Thứ hai là họ sẽ tìm đến những thương hiệu có niềm tin hơn. Thứ ba là người tiêu dùng sẽ chọn những mặt hàng cần thiết nhất cho gia đình dịp Tết.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, năm nay, hàng hóa tiêu dùng rất nhiều, đa dạng, phong phú và như thường lệ, trước Tết Nguyên đán khoảng 3 tháng, người dân sẽ có xu hướng mua mới hoặc thay đổi đồ nội thất.
Trước Tết khoảng 1 tháng, người tiêu dùng bắt đầu mua dần các đồ khô cho Tết, như: măng, miến, mộc, nhĩ, kẹo bánh… Từ ngày lễ "ông Công, ông Táo" đến khoảng 28 tháng Chạp, người tiêu dùng bắt đầu mua thực phẩm tươi sống để chế biến và làm mâm ngũ quả cho những ngày Tết như: tôm, cá, thịt lợn, thủy hải sản, giò nóng, chuối cây, cam sành…
Ông Phú cho biết: "Quy luật giá cả dịp cận Tết thường là đều tăng giá dù tăng ít hay nhiều. Đơn cử như bánh chưng, những ngày thường chỉ có giá từ 50.000 – 60.000 đồng/chiếc nhưng những ngày giáp Tết, giá lên đến 80.000 đồng/chiếc, thậm chí là 100.000 đồng/chiếc".
Bởi vậy, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, một trong những "mẹo" bỏ túi trong mua sắm ngày Tết là người tiêu dùng nên trở lại những địa điểm mua hàng quen thuộc để mua hàng. Là địa chỉ quen thuộc nên người tiêu dùng sẽ nắm được giá cả trong nhiều thời gian và cũng vì uy tín nên chất lượng sản phẩm cũng được yên tâm.
Thứ hai, đối với mặt hàng thời trang, để tiết kiệm chi phí, người tiêu dùng có thể lựa chọn mua các sản phẩm yêu thích ở các địa chỉ quen thuộc trong thời gian đơn vị này "tung" các chương trình khuyến mại. Đơn cử như dịp cuối năm hay giao mùa, các hãng thời trang, cửa hàng thời trang "chạy" chương trình giảm giá rất nhiều.
Thứ ba, đối với hàng tiêu dùng, năm nay, Bộ Công thương, Sở Công thương khẳng định hàng Việt Nam chiếm ưu thế trên thị trường với đa chủng loại, hàng hóa đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, hàng Việt chiếm ưu thế thì hàng ngoại cũng rất nhiều và đa dạng như rượu vang, kẹo Nga, Nhật…. Bởi vậy, người dân có xu hướng ít đi mua sắm mà phải mua sắm dịp Tết, hoặc ít có kinh nghiệm mua sắm, hoặc mua sắm đồng loạt các mặt hàng cần thiết cho gia đình, có thể lựa chọn mua hàng tại các siêu thị lớn.
Cuối cùng, ông Phú nhấn mạnh đến vai trò quản lý Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát giá cả, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đơn cử như thịt lợn, vào cuối năm 2022, giá lợn hơi giảm đến 37% nhưng thịt lợn thành phẩm ở chợ dân sinh tại Hà Nội có giá bán trung bình từ 120.000 – 130.000 đồng/kg và ở một số siêu thị, mức giá bán của thịt lợn dao động từ 190.000 – 210.000 đồng/kg.
Ông Phú khẳng định mức giá chênh lệch giữa chợ dân sinh với siêu thị lên đến 50.000 đồng/kg (đã trừ thuế VAT).
Bởi vậy, theo ông Phú, vai trò quản lý nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát giá cả, chất lượng sản phẩm hàng hóa là vô cùng quan trọng. Song, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chỉ là "phần ngọn" của vấn đề, mà "phần gốc" là "chống" từ con người. Đó là làm trong sạch đội ngũ chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu.
GĐXH - Ở thời điểm Tết Nguyên đán còn khoảng 30 ngày, giỏ quà Tết cũng bắt đầu được các đơn vị bán lẻ "trình làng" và cho "lên kệ". Mức giá cũng đa dạng, phù hợp với từng phân khúc tiêu dùng.