Chứng khoán trong vòng xoáy lạm phát
Chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 24-1 vì những nỗi lo liên quan đến chính sách tiền tệ và khủng hoảng Ukraine. Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu có thời điểm bốc hơi 1,4% trong khi các chỉ số công nghệ sụt giảm 1,2% - mức giảm sâu nhất trong 14 tuần trở lại đây, theo Reuters.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản ngày 24-1 tăng thêm 0,24% dù liên tục giảm ở đầu phiên giao dịch. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc và Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm lần lượt 1,49% và 1,24%.
Tại Ấn Độ, giới đầu tư ồ ạt bán tháo vào chiều cùng ngày, khiến chỉ số Nifty và chỉ số Sensex giảm lần lượt 2,46% và 2,5%.
Theo chuyên gia Boon Heng của Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), những diễn biến khó lường xoay quanh khủng hoảng Ukraine cùng những nỗi lo liên quan đến kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ trong phiên họp ngày 25 và 26-1 có thể khiến thị trường chứng khoán châu Á liên tục chao đảo trong tuần này.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu có thời điểm bốc hơi 1,4% trong phiên giao dịch ngày 24-1. Ảnh: REUTERS
Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhấn mạnh lạm phát phi mã có thể buộc FED nâng lãi suất mạnh tay hơn trong năm 2022, đặc biệt là khi biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng.
"Dự đoán cơ bản của chúng tôi là FED sẽ nâng lãi suất 4 lần vào các tháng 3, 6, 9 và 12. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng FED muốn siết chặt chính sách tiền tệ tại mỗi cuộc họp cho đến khi tình hình lạm phát thay đổi" - chuyên gia David Mericle của Ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
Theo báo The Guardian (Anh), những dự đoán trên càng trút thêm lo âu về một cuộc khủng hoảng nợ mới.
Tổ chức phi lợi nhuận Jubilee Debt Campaign (JDC - Anh) cho biết chính phủ các nước đang phát triển trong năm 2021 phải chi 14,3% ngân sách để thanh toán nợ nần, so với 6,8% của năm 2010 và đây là mức chi cao kỷ lục kể từ năm 2001.
Khẳng định con số này nhiều khả năng tiếp tục gia tăng khi FED nâng lãi suất, JDC kêu gọi các nước giàu giảm nợ sâu hơn cho các nước nghèo.
Vay mượn bằng USD, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro kép: Chi phí vay cao hơn và đồng tiền của họ ngày càng suy yếu so với đồng bạc xanh.
"Khủng hoảng nợ khiến nhiều nước không thể giải quyết tình trạng khẩn cấp khí hậu và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19" - Giám đốc điều hành Heidi Chow của JDC khẳng định, đồng thời cho biết nghiên cứu mới nhất của họ nhận thấy 54 quốc gia đang đối mặt khủng hoảng nợ.