Chứng khoán đảo chiều
Thị trường chứng khoán đã xuất hiện tín hiệu tích cực sau các động thái trấn an của cơ quan quản lý và nhiều cổ phiếu được định giá rẻ hiếm có.
Trái với tâm lý hoang mang trước phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán ngày 10-10 khép lại trong sắc xanh sau nhiều ngày giảm điểm liên tục. Nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng giá, thậm chí tăng hết biên độ, giúp các nhà đầu tư bớt lo lắng, phần nào lấy lại niềm tin vào thị trường sau động thái trấn an của cơ quan quản lý.
Xuất hiện dòng tiền bắt đáy
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10-10, VN-Index tăng nhẹ 6,57 điểm (+0,63%), đóng cửa ở mức 1.042,48 điểm; HNX tăng khá mạnh 3,76 điểm (+1,66%), lên 229,85 điểm; UPCoM đạt 80,14 điểm khi tăng 0,16 điểm (+0,2%). Thanh khoản không bằng phiên cuối tuần trước nhưng vẫn ở mức khá cao, với hơn 16.473 tỉ đồng trên cả 3 sàn. Khối ngoại giải ngân 3 sàn trên 1.467 tỉ đồng, trong đó riêng HoSE là 1.410 tỉ đồng.
Nhiều nhóm cổ phiếu tăng mạnh, như dầu khí tăng 4,99%, hóa chất tăng 3,15%, kim loại công nghiệp tăng 3,94%, chứng khoán tăng 3,25%, bảo hiểm tăng 2,82%... Số lượng cổ phiếu tăng trần trên sàn HoSE cũng lên tới 21 mã - con số tích cực trong suốt nhiều ngày qua.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, nhận định ý nghĩa của phiên giao dịch ngày 10-10 đã chặn đà giảm và sự hoảng loạn về tâm lý của nhà đầu tư, tạo sự ổn định hơn cho thị trường dù mới một phiên là chưa rõ ràng. Ở góc độ điểm số, vùng giá hiện tại của VN-Index khi chỉ số rơi xuống mức thấp nhất trong phiên về 1.013 điểm đã có lực cầu dòng tiền cho thấy đây là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn.
Thị trường chứng khoán đã lấy lại sắc xanh sau hơn một tuần giảm điểm mạnh. Ảnh: QUANG LIÊM
Thực tế, thị trường đã phản ánh tiêu cực vào giá trong suốt tuần qua và đỉnh điểm là lao dốc mạnh cuối tuần trước. Đến nay, khi thông tin xấu đã rõ ràng cộng thêm thông tin trấn an của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước - Bộ Tài chính… đã giúp nhà đầu tư an tâm hơn.
"Nhà đầu tư sẽ đánh giá được ảnh hưởng từ thông tin lên thị trường có lớn hay không khi thông tin rõ ràng, bởi với đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư sợ nhất là không biết điều gì xấu sắp xảy ra. Còn khi thông tin đã rõ ràng, họ sẽ dự phòng được điều gì ảnh hưởng và hành xử đối với cổ phiếu. Đặc biệt, 2 ngày nay thanh khoản của thị trường đã tăng khoảng 40% so với những tuần trước cho thấy có dòng tiền bắt đáy trở lại, cộng thêm nhiều cổ phiếu đã về vùng định giá hấp dẫn" - ông Đỗ Bảo Ngọc nói.
Chờ tín hiệu rõ ràng hơn
Trước đó, vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 7-10, thị trường đã phản ứng tiêu cực với những thông tin rò rỉ về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nữ "đại gia" Trương Mỹ Lan. Các chỉ số và hàng trăm cổ phiếu trên sàn giảm rất mạnh khiến nhà đầu tư bán tháo. Đến ngày 8-10, khi thông tin Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam nữ tỉ phú Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng những đồng phạm để làm rõ tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được công bố chính thức, nhiều người lo lắng đã kéo nhau tới Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để rút tiền. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục lên tiếng trấn an người dân và khẳng định trong mọi tình huống sẽ duy trì hoạt động ổn định liên tục cho SCB và luôn thực hiện những chính sách theo quy định của pháp luật để bảo đảm tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng...
Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường. Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý đã, đang chỉ đạo sát sao để tập trung các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Đồng thời, khuyến cáo các nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích cụ thể rủi ro và tiềm năng cơ hội trên thị trường để ra quyết định.
Sáng sớm 10-10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp tục có thông điệp về SCB. Thống đốc khẳng định: "Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có SCB, đều được nhà nước bảo đảm trong mọi trường hợp. Những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn, để bảo đảm quyền lợi của mình".
Không chỉ cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán cũng lên tiếng về mức độ an toàn khi giao dịch tại các công ty. Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cho biết tài sản khách hàng đang đặt tại công ty chứng khoán gồm cổ phiếu và trái phiếu, những tài sản này nằm trên ngoại bảng của công ty chứng khoán và được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Bản chất các tài sản này thuộc sở hữu của nhà đầu tư và công ty chứng khoán chỉ là nơi lưu ký tài sản. Do đó, rủi ro của việc tài sản đặt tại công ty chứng khoán không có, mà nếu có sẽ là rủi ro của tổ chức phát hành.
Theo giới phân tích, chính những phản ứng kịp thời của cơ quan quản lý đã giúp người dân và các nhà đầu tư bớt lo lắng, phần nào lấy lại bình tĩnh. Đây có thể xem là một yếu tố giúp chặn đà rơi của thị trường.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra là do thị trường chứng khoán Việt Nam đã quá rẻ, nhiều cổ phiếu trở về mức thấp trước khi dịch COVID-19 xuất hiện đã kích thích dòng tiền bắt đáy. Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường - Khối phân tích VND, cho rằng đà giảm mạnh thời gian qua đã khiến định giá của VN-Index rơi về mức P/E xấp xỉ 11 lần, gần tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19 hay cuối năm 2012 - thời điểm lãi suất tăng vọt, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu ngân hàng tăng cao.
Đà giảm thị trường vừa qua đã có phần thái quá, chịu ảnh hưởng quá mức bởi tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn hay nhiều ngân hàng đã về mức P/B xấp xỉ 1 lần, là rất hiếm khi xảy ra, phản ánh việc thị trường đã bị ép về trạng thái quá bán rất sâu.
"Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi bán ra vì tâm lý chán nản có thể không kịp quay trở lại trong giai đoạn thị trường phục hồi mạnh sau đó. Với những người nắm giữ nhiều tiền mặt, nhịp giảm điểm mạnh thời gian qua đã mở ra cơ hội lớn để tích lũy cổ phiếu cơ bản với mức định giá rất hấp dẫn. Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư giải ngân ở vùng này có thể thu được mức lợi nhuận hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới" - ông Hinh nói.
Khách hàng cơ bản yên tâm về tình hình SCB
Chiều 10-10, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại một số điểm giao dịch của SCB ở TP HCM, lượng khách đến giao dịch đã giảm mạnh so với đầu giờ sáng và ngày thứ bảy (8-10).
Tại 2 điểm giao dịch của SCB trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp không còn tình trạng xếp hàng trên lòng lề đường để chờ đến lượt lấy số giao dịch. Theo quan sát, nhiều người có nhu cầu rút tiền, đáo hạn sổ gửi tiết kiệm, cũng có người chọn gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng để hưởng lãi suất 8,5%/năm.
Đáng chú ý, một số khách hàng đã ra về, bỏ ý định rút tiền sau khi được nhân viên SCB thông tin về quyền lợi của người gửi tiền, tình hình hoạt động của SCB và ngành ngân hàng.
Trao đổi với chúng tôi, chị Việt Hương, một khách hàng gửi tiết kiệm, cho hay vào cuối tuần trước, khi thông tin tiêu cực trên thị trường xuất hiện, chị có phần bất an về số tiền gửi tại ngân hàng này. "Nhưng đầu ngày 10-10, khi lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Nhà nước lên tiếng bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiết kiệm, tôi có phần an tâm và đã đến ngân hàng này xem xét tình hình, quyết định giữ nguyên số tiền gửi tại SCB" - chị Việt Hương nói.
Liên quan hoạt động tại SCB, ngày 10-10, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM có văn bản khẩn gửi các ban, ngành liên quan tại TP HCM về việc phối hợp truyền thông liên quan đến hoạt động ngân hàng. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, đề nghị Ủy ban MTTQ TP HCM, Ban Dân vận Thành ủy, các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp, hỗ trợ ngành ngân hàng thành phố thông tin phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt những chủ trương, chính sách và hành động của ngành ngân hàng.
"Thông tin cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương nắm rõ chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật liên quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp tiếp tục bảo đảm hoạt động liên tục và ổn định cho SCB, đồng thời sẽ có những biện pháp, chính sách bảo đảm quyền lợi người gửi tiền tại SCB" - ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cũng khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB.
T.Thơ - T.Phương