Agribank Chi nhánh huyện Cù Lao Dung tiếp sức về vốn, phát triển kinh tế địa phương
Cù Lao Dung trước đây thuộc địa phận huyện Long Phú. Đến năm 2002, huyện Cù Lao Dung được chia tách, thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 30-4-2002.
Qua 20 năm thành lập và phát triển, cùng với các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương, Agribank Chi nhánh huyện Cù Lao Dung luôn đồng hành cùng các cơ sở, doanh nghiệp và bà con nông dân huyện nhà trong quá trình sản xuất kinh doanh; nhất là việc thực hiện các mô hình kinh tế, trong đó có mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Cán bộ Agribank Cù Lao Dung thăm mô hình nuôi tôm
Cùng với cán bộ Agribank Chi nhánh tỉnh và Agribank Chi nhánh huyện Cù Lao Dung, chúng tôi đến tham quan mô hình kinh tế nông nghiệp của ông Phạm Văn Sửu - một trong những khách hàng truyền thống của Agribank rất thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao - và nhận thấy, ao nuôi được lót bạt sạch sẽ, phía trên thì có mái che bằng lưới lan cùng công nghệ nuôi hiện đại, được đầu tư rất bài bản, những ao nuôi hiện đang đầy ắp tôm và sẽ được thu hoạch trong thời gian tới.
Theo ông Sửu, hệ thống nuôi tôm công nghệ cao là sự kết hợp, bố trí khoa học giữa ao nuôi chính và các ao nuôi phụ trợ, như: ao lắng, ao xử lý, ao chuẩn bị, hệ thống xử lý nước thải…
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được cho là khá tốn kém nhưng rất "đáng đồng tiền bát gạo" vì cho tỉ lệ nuôi thành công đến 80%-90% cùng nhiều ưu điểm hấp dẫn khác.
Chính vì thế, với sự đồng hành về nguồn của Agribank là rất tốt, khi có được nguồn vốn vay từ ngân hàng thì không ít người đã sẵn sàng đầu tư một mô hình nuôi mới - đó là mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Ở Cù Lao Dung, ông Sửu là một trong những người tiên phong trong việc thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả. Ngoài việc hỗ trợ nguồn lực về vốn từ Agribank thì chính quyền địa phương cùng ngành chức năng liên quan trong suốt thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho người nông dân trên địa bàn huyện thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Tất cả các mô hình đều có dấu ấn không nhỏ của Agribank Chi nhánh huyện Cù Lao Dung. Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, cho biết thời gian qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì trên địa bàn xã có một số diện tích đất kém hiệu quả, trồng những cây mang lại giá trị không cao thì chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, do môi trường và phương pháp nuôi theo cách truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao, qua đó xã có định hướng bà con nên chuyển sang mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao. Việc thực hiện mô hình này đòi hỏi nguồn vốn rất nhiều, người dân rất mong muốn được chuyển đổi nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn…
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Cù Lao Dung
Xuất phát từ những khó khăn nêu trên, chính quyền địa phương cùng các ngành chuyên môn đã có liên hệ với một số ngân hàng để đầu tư sản xuất, trong số đó thì Agribank Chi nhánh huyện Cù Lao Dung đã trao đổi trực tiếp cùng với địa phương để thẩm định, xem xét hồ sơ nhằm hỗ trợ cho bà con vay vốn để sản xuất theo mô hình này.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đệ, từ khi thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao đến nay, Agribank Chi nhánh huyện Cù Lao Dung là đơn vị đã hỗ trợ rất tốt về thủ tục, hồ sơ cũng như các quy trình để người dân vay vốn; đồng thời ngân hàng cũng tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay.
Qua đó, tính đến nay, trên địa bàn xã An Thạnh 2 đã phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích khá nhiều và hiệu quả mang lại từ mô hình rất tốt; từ đó bà con vay vốn đã thực hiện rất tốt nghĩa vụ trả vốn và lãi cho Agribank.
Đứng về góc độ ngành chuyên môn, ông Đồ Văn Thừa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, thông tin rằng tổng diện tích nuôi tôm của huyện là 2.300 ha. Thời gian qua, đối với lĩnh vực nuôi tôm nước lợ thì huyện đã có chủ trương khuyến khích người dân nuôi tôm công nghệ cao.
Đối với việc thực hiện mô hình này, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Agribank Chi nhánh huyện Cù Lao Dung hỗ trợ bà con tiếp cận được nguồn vốn vay.
Trong quá trình thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành khung lịch thời vụ thả nuôi; hàng năm có triển khai tập huấn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và quy trình, kỹ thuật nuôi tôm; đồng thời phối hợp với ngành chuyên môn cấp tỉnh tổ chức những cuộc hội thảo, tập huấn nhằm nhân rộng những mô hình nuôi hiệu quả".
Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phù hợp nên hoạt động kinh doanh Agribank Chi nhánh huyện Cù Lao Dung đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8-2022, đơn vị đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, như: nguồn vốn huy động đạt trên 650 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 16%; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 515 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 17%, bằng 109% kế hoạch năm; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 98% tổng dư nợ; nợ xấu được kiểm soát và đẩy lùi về mức dưới 1,1% trên tổng dư nợ, giảm 0,12% so đầu năm.
Thu dịch vụ chạm ngưỡng 3 tỉ đồng, tăng trên 35% so cùng kỳ năm trước. Kết quả tài chính đạt khá kế hoạch năm, đảm bảo thu nhập đời sống cho người lao động, là một trong những đơn vị có kết quả tài chính cao nhất.
Ông Mai Văn Thanh, Giám đốc Agribank huyện Cù Lao Dung, phấn khởi cho biết phát huy kết quả đạt được, trong những tháng còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo, Agribank Chi nhánh huyện Cù Lao Dung tiếp tục xây dựng kế hoạch và giải pháp của đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong bối cảnh bình thường mới.
Đó là đảm bảo nguồn lực tài chính để cung ứng vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn; bám sát các chương trình trình kinh tế của UBND huyện cũng như các xã, thị trấn; đồng thời chú trọng đầu tư vào các các chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.