• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bất ổn thị trường kinh doanh khi giá cà phê lập đỉnh

Hơn 1 năm qua, giá cà phê liên tục tăng cao, thậm chí có thời điểm còn vượt mốc 140 ngàn đồng/kg. Giá cà phê tăng cao, tuy nhiên, thị trường kinh doanh lại có nhiều bất ổn. Trong đó, chủ yếu là việc đại lý thu mua nông sản, doanh nghiệp kinh doanh cà phê tuyên bố vỡ nợ, người dân "tiền mất tật mang" vì thói quen ký gửi hàng hóa.

Bất ổn thị trường kinh doanh khi giá cà phê lập đỉnh

Người nông dân ở Đắk Lắk đóng bao cà phê bán cho đối tác thu mua. Ảnh: Bảo Trung

Nông dân "tiền mất tật mang" vì thói quen ký gửi hàng hóa

Đầu năm 2024, một cơ sở thu mua nông sản lâu năm ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk bất ngờ tuyên bố phá sản trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người dân địa phương. Ngay sau đó, hàng chục hộ dân đã kéo đến nhà kho của doanh nghiệp để đòi tiền ký gửi cà phê cho cơ sở...

Liên quan đến sự việc này, bà H, đại diện cho một hộ dân ở huyện Krông Năng chua chát nói: "Hồi đầu năm 2024, tôi có ký gửi tới 3 tấn cà phê nhân cho doanh nghiệp thu mua cà phê. Những tưởng khi giá ổn sẽ thu được khoản lợi nhuận kha khá để tiếp tục mở rộng đầu tư cho niên vụ sau. Tuy nhiên, khi cơ sở thu mua nông sản tuyên bố phá sản, người đứng đầu biệt tích, tôi gần như mất trắng tài sản".

Tương tự, ông T, trú tại xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, niên vụ 2023-2024, gia đình ông thu hoạch gần 20 tấn cà phê nhân. Thời điểm cuối vụ, giá cà phê bắt đầu tăng, do có đại lý thu mua nông sản quen biết lâu năm nên ông giao hàng cho đại lý gần nhà rồi cho ký giấy tờ 12 tấn. Không chỉ có ông mà nhiều người nông dân khác cũng vậy.

"Tuy nhiên, chỉ chưa đến một tuần giá cà phê liên tục tăng cao từ chỗ 50.000 - 70.000 đồng/kg đã lên đến hơn 120.000 đồng/kg. Đại lý nhận chốt hàng các đại lý lớn nhưng chưa kịp thu mua, giao hàng thì đổ bể, thua lỗ phải đóng cửa khiến người nông dân cũng chao đảo theo”.

Theo nhiều người dân địa phương, nguyên nhân chính vì giá cà phê biến động theo chiều hướng gia tăng quá nhanh. Đơn cử như việc, hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu trước đó chỉ vào khoảng 65.000 đồng/kg cà phê. Thế nhưng, khi đến kỳ giao hàng thì giá đã tới 140.000 đồng/kg thì cơ sở kinh doanh lấy tiền đâu mà bù vào.

Về nguyên nhân người dân đi ký gửi cà phê là do nhà không có kho bãi để trữ hàng với số lượng lớn. Ngoài ra, tình trạng trộm cắp cũng là việc người dân lo ngại.

Doanh nghiệp từ bỏ thói quen chốt giá, gom hàng

Không chỉ có người nông dân "tiền mất tật mang", nhiều doanh nghiệp thu mua, ký gửi nông sản ở trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang cảm thấy lo âu vì giá cà phê liên tục biến động. Có thời điểm một vài ngày giá cà phê đã chênh lệch lên xuống với khoảng cách vài chục ngàn đồng/kg. Khi đó, chỉ cần một giây phút thiếu tỉnh táo, doanh nghiệp ký kết hợp đồng giao chốt giá trước, gom hàng, giao nhận sau thì rất dễ bị thua lỗ vài chục triệu đồng/tấn cà phê.

Anh Nguyễn Văn Quyền, ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết, với giá cà phê biến động như hiện nay, doanh nghiệp mua đâu bán đó chứ không dám dự trữ hàng hóa bởi khi giá cả tăng cao hay xuống thấp thì nguy cơ vỡ nợ đều luôn chờ chực.

Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, chị Trần Thị Hà, đại lý thu mua cà phê tại huyện Ia Grai - cho biết: “Niên vụ cà phê năm 2023-2024 có mức giá cà phê cao đột biến, có ngày lên tới 140.000 đồng/kg, tăng gấp 3 đến 4 lần so với 2 năm trước đó. Đại lý thu mua phải chốt giá rồi giao hàng bán cho doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu ngay, tránh giá cả lên xuống thất thường rồi thua lỗ. Vì giá cao nên nông dân đều có hàng là mang hết đi bán cho đại lý. Còn đại lý nếu chậm trễ xuất kho, khi giá xuống thấp thì sẽ thua lỗ nặng nề. Do đó, hiện nay, không còn có hiện tượng doanh nghiệp gom hàng chờ giá tiếp tục tăng để bán kiếm chênh lệch như nhiều năm về trước”.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, đại lý thu mua cà phê tại huyện Chư Păh, tùy theo cách kinh doanh, nắm bắt tình hình thị trường giá của các đại lý mà có lời lỗ khác nhau. Nhưng hầu như đại lý không bị lỗ với hình thức chốt giá, nhận tiền tại chỗ. Vấn đề chủ yếu ở các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký hợp đồng với đối tác từ nhiều tháng trước đó vì khi giá tăng cao các doanh nghiệp không đủ tiền thu mua được hàng hóa sẽ không có giao cho đối tác dẫn đến thiệt hại, ôm nợ.

"Ở mùa vụ sau đó là hạn chế tích trữ số lượng lớn hàng hóa để chờ giá lên kiếm lời” - chị Huyền cho biết.


Nguồn:https://laodong.vn/thi-truong/bat-on-thi-truong-kinh-doanh-khi-gia-ca-phe-lap-dinh-1354672.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết