• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tương lai của Raheem Sterling tại Chelsea

Chuyển đến Chelsea với bản hợp đồng 47,5 triệu bảng cùng nhiều kỳ vọng có thể gánh hàng công The Blues. Thế nhưng sau 2 năm, với Sterling chỉ là nỗi thất vọng.

Từ thời điểm Chelsea được quản lý dưới trướng của tỉ phú Todd Boehly, họ luôn trở thành điểm nhấn trên thị trường chuyển nhượng. The Blues được nhớ đến không bởi những bản hợp đồng chất lượng và tỏa sáng, họ liên tục xuất hiện dày đặc trên mặt báo về số vụ được hoàn thành. Điển hình như mùa hè này, đội bóng thành London tiếp tục mua sao, đẩy quân số lên đến gần 50 cầu thủ.

Trong mớ hỗn độn ấy, Raheem Sterling được nhớ đến như một trong những bản hợp đồng thất bại nhất, là biểu tượng cho sự tệ hại của The Blues trên các phiên chợ cầu thủ.

Ở trận ra quân Premier League trước Manchester City, Sterling thậm chí còn không được huấn luyện viên Enzo Maresca điền tên vào danh sách đăng ký. Ông thầy người Italy không hẳn đã muốn chia tay tiền đạo 29 tuổi. Thế nhưng, trước trận này, Maresca cũng nói bóng gió rằng "một số người sẽ phải rời đội" khi nhân sự đang quá dày.

Raheem Sterling trong một buổi tập sau chuyến du đấu Mỹ. Ảnh: Chelsea FC

Raheem Sterling trong một buổi tập sau chuyến du đấu Mỹ. Ảnh: Chelsea FC

Giai đoạn chơi tốt nhất của Sterling cho Man City kéo dài từ đầu mùa giải 2017-2018 đến hết chiến dịch 2019-2020. Hai mùa cuối ở sân Etihad, tiền đạo người Anh ghi bàn ít dần và sức ảnh hưởng cũng không còn lớn. 100 trận cho Man City trong giai đoạn này, Sterling ghi 55 bàn và có tới 21 kiến tạo. Hai năm đá cho Chelsea với 59 trận, anh chỉ có 14 bàn và 7 kiến tạo.

Thành tích của Sterling nhỉnh hơn về thông số so với ngôi sao trị giá 100 triệu Euro là Mykhailo Mudryk (5 bàn, 4 kiến tạo sau 46 trận tại Premier League). Tuy nhiên, tuyển thủ người Ukraina kém Sterling tới 6 tuổi và còn rất nhiều thời gian để phát triển. Từ khi Sterling đến, Chelsea đổi huấn luyện viên tới 3 lần và đang trong quá trình thanh lọc mạnh tay trước khi kỳ chuyển nhượng hè 2024 đóng cửa vào cuối tháng 8.

Tuy nhiên, việc bán cầu thủ chưa bao giờ là dễ dàng với Chelsea. Từ năm 2022 đến nay, họ còn chưa thanh lý nổi Romelu Lukaku. Kế đến, những cái tên như Trevoh Chalobah, Conor Gallagher, Armando Broja hay Ben Chilwell cũng chưa tìm được đối tác chuyển nhượng. Chỉ có Gallagher đã ở rất sát Atletico Madrid, 3 người còn lại vẫn chưa ai ngó ngàng, đặc biệt Lukaku và Chiwell đang nhận lương rất cao.

Romelu Lukaku và Ben Chilwell đang là những quả bom nổ chậm với Chelsea. Ảnh: AFP

Romelu Lukaku và Ben Chilwell đang là những quả bom nổ chậm với Chelsea. Ảnh: AFP

Vụ của Sterling khá khó hiểu khi anh vẫn xuất hiện ở tour du đấu Mỹ, vẫn được nhắc đến trong các chiến dịch truyền thông trước thềm mùa giải. Chính phía tiền đạo người Anh hiện cũng chưa rõ ràng việc đi hay ở.

Trước trận gặp Man City ở vòng 1 Premier League, Sterling được cho đang nỗ lực để tìm suất đá chính nhưng cuối cùng anh thậm chí không được điền tên trong danh sách đăng ký. Tuy nhiên, khác với vụ Jadon Sancho và Erik ten Hag, Sterling vẫn có sự tôn trọng nhất định với Maresca. Anh không cho rằng ông thầy của mình là kẻ lừa dối và mọi thứ hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào phong độ của bản thân.

Thế nhưng, dù có đá tốt Sterling chưa chắc đã được ở lại Stamford Bridge do anh sắp bước sang tuổi 30 và nhận lương cao. Trong chiến dịch trẻ hóa đội hình của ban lãnh đạo câu lạc bộ, Sterling nổi lên như người đứng đầu danh sách phải bán tháo. Cũng không thể hoàn toàn trách cựu sao Man City bởi từ khi gia nhập Chelsea, anh đã chơi dưới trướng 4 huấn luyện viên. Do đó, Sterling không thể có được sự ổn định như lúc làm việc với Pep Guardiola.

Nụ cười hạnh phúc ngày ra mắt như thế này không còn xuất hiện với Sterling nữa. Ảnh: Chelsea FC

Nụ cười hạnh phúc ngày ra mắt như thế này không còn xuất hiện với Sterling nữa. Ảnh: Chelsea FC

Sterling đang trở thành nạn nhân của xu thế chuyển nhượng hiện tại. Các đội lớn giờ ít kích nổ "bom tấn" hơn với các ngôi sao luống tuổi. Luật công bằng tài chính ngày một siết chặt khiến các câu lạc bộ dù rất tên tuổi cũng phải khéo léo và tinh tế hơn khi mua cầu thủ. Đó là lý do tại sao một đội giàu mạnh như Real Madrid cũng phải kiên nhẫn đợi Kylian Mbappe đáo hạn hợp đồng với PSG. Hay như David De Gea, phải gần 2 năm sau khi rời Man United, thủ thành này mới có bến đỗ mới là Fiorentina.

Sterling đang ở thế phân vân khi không biết nên rời đi hay ở lại chiến đấu cho một vị trí chính thức. Anh cần một khởi đầu mới để thích nghi và làm lại. Việc Chelsea thay Pochettino bằng Maresca có thể là cơ hội đó nhưng chính Maresca cũng chưa thể định hình lối chơi và chọn được số lượng nhân sự cần thiết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết