Chuyện phía sau thương vụ Công Phượng khoác áo đội Bình Phước
Những thông tin xoay quanh việc Công Phượng đến Bình Phước chơi bóng với bản hợp đồng 3 năm dần được hé lộ.
Công Phượng quyết định về Việt Nam
5 ngày trước, Nguyễn Công Phượng chính thức ra mắt câu lạc bộ Bình Phước. Bản hợp đồng mà anh kí kết với đội bóng đang chơi tại giải hạng Nhất là 3 năm, kèm theo điều khoản cho phép đôi bên có thể đàm phán thêm 1 mùa giải nữa.
Việc Công Phượng trở về Việt Nam thi đấu là điều tất yếu xảy ra. Hai năm qua tại Yokohama FC, chân sút sinh năm 1995 chỉ thi đấu 3 trận ở Cúp Hoàng đế với tổng thời lượng chưa đầy 90 phút.
Có hai chi tiết trong câu chuyện Công Phượng về Việt Nam chơi bóng. Đầu tiên, khi "mắc kẹt" tại Yokohama FC, tiền đạo 29 tuổi nhận được tín hiệu từ một ông bầu có tiếng tăm.
Theo một số nguồn tin thân cận, Công Phượng đưa ra đề nghị lót tay khá cao, đủ khiến anh ngang hàng về đãi ngộ như Hoàng Đức, Quang Hải hiện tại.
Tuy nhiên, thương vụ này bất thành, khi ông bầu kể trên chỉ có thể chi một con số ít hơn, tương đương với đãi ngộ của đại đa số các tuyển thủ quốc gia đang chơi ở V.League.
Sau đó, Công Phượng quyết định đầu quân cho Bình Phước với bản hợp đồng dài hạn vì nhiều lý do khác nhau.
Câu lạc bộ Bình Phước có gì để thuyết phục Công Phượng?
Theo nguồn tin thân cận, ông Yusuke Adachi - Giám đốc điều hành câu lạc bộ Bình Phước là cầu nối đưa Công Phượng đến với đội bóng này. Cuộc gặp gỡ của đôi bên (trước khi ra mắt chính thức) xoay quanh tham vọng của ông Adachi, đội Bình Phước và liên quan trực tiếp đến Công Phượng.
Giám đốc điều hành Adachi thuyết phục Công Phượng bằng một môi trường bóng đá được định hướng theo mô hình Nhật Bản, bao gồm hoạt động và xây dựng học viện đào tạo trẻ.
Ngoài ông Adachi, đội có nhiều vị trí do người Nhật đảm nhiệm như Giám đốc vận hành, Giám đốc học viện, trợ lý huấn luyện viên, huấn luyện viên thể lực, chuyên gia vật lý trị liệu.
Câu chuyện này “đánh trúng” sự quan tâm của Công Phượng. Bởi với cầu thủ này, môi trường bóng đá Nhật Bản nói chung và văn hóa xứ hoa anh đào nói riêng có ảnh hưởng sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà Công Phượng đặt biệt danh cho con trai mình là Mito (đội bóng nước ngoài đầu tiên mà anh chơi bóng).
Cách vào đề của ông Adachi đã gợi được sự quan tâm của Công Phượng khi thuyết phục anh về Bình Phước.
Một yếu tố nữa chính là câu chuyện thu nhập. Theo đó, Công Phượng dự kiến nhận khoảng 20 tỉ đồng trong vòng 3 năm khi chơi bóng tại Bình Phước. Con số này cũng được quy định theo từng mùa giải với từng mục tiêu mà đôi bên bắt tay hướng đến.
Theo tìm hiểu, Công Phượng có thể nhận khoảng 6,5 tỉ đồng ở mùa giải đầu tiên, khi Bình Phước chơi tại giải hạng Nhất. Con số này có thể tăng lên nếu cả hai cùng nhau góp mặt tại V.League 2025-2026.