WHO: Hai biến chủng COVID-19 chiếm lĩnh Nam - Đông Nam Á không phải BQ.1
"Loạt hậu duệ này có đủ để thúc đẩy các làn sóng mới hay không phụ thuộc vào bối cảnh miễn dịch khu vực. Dữ liệu hiện tại không gợi ý sự khác biệt đáng kể về mức độ nghiêm trọng của COVID-19 đối với BA.2.75, BA.5 + 5, BQ.1 và XBB" - WHO khẳng định.
Trong báo cáo công bố sáng 15-12 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân tích chi tiết 5 dòng hậu duệ của Omicron được theo dõi chặt chẽ vì có tác động đến tỷ lệ mắc bệnh ở nhiều quốc gia.
Theo đó, BQ.1 và các hậu duệ (bao gồm BQ.1.1) vẫn là dòng phụ đang tăng tỉ lệ mạnh nhất toàn cầu và hiện đã lây lan ở 90 quốc gia thành viên của WHO, tỉ lệ lưu hành vào tuần 46 vừa qua (dựa trên các trình tự gien được giải mã giám sát toàn cầu) đã là 33,9%.
Bản đồ phân bổ biến chủng của WHO cho thấy nó chủ yêu lây lan ở khu vực châu Mỹ và châu Âu, về phía châu Á cá biệt có Trung Quốc và Indonesia tỉ lệ lưu hành tương đối cao.
Bản đồ lưu hành các biến chủng COVID-19 được quan tâm nhất hiện tại - Ảnh: WHO
Tỉ lệ lưu hành cao nhất của BQ.1 và hậu duệ là ở ở Ecuador (65,5%), Bồ Đào Nha (56,7%), Tây Ban Nha (54,1%) và Brazil (42,4%). Trước đó theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, BQ.1 và hậu duệ cũng đang chiếm phần lớn số ca tại nước này.
Tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, là nơi dịch COVID-19 vẫn đang ở mức cao, hai biến chủng nổi trội lại không phải là BQ.1 mà là XBB và BA.2.75 cùng các hậu duệ của cả hai.
XBB và các hậu duệ lưu hành cao nhất ở Ấn Độ (62,5%), Cộng hòa Dominican (48,2%), Singapore (43,3%), Malaysia (40,9%) và Indonesia (29,3%). Tổng cộng đã có 70 quốc gia báo cáo biến chủng này với tỉ lệ lưu hành toàn cầu là 3,8%.
BQ.1 là hậu duệ của BA.5 Omicron; trong khi XBB là sản phẩm tái tổ hợp của BA.2.10.1 và BA.2.75.
BA.2.75 và các hậu duệ ngoại trừ XBB (bao gồm CH.1.1) có tỉ lệ cao nhất ở Thái Lan (53,8%), Úc (25,1%), Malaysia (22,5%), Trung Quốc (18,8%) và New Zealand (16,3%).
Hai dòng biến chủng đang được theo dõi chặt chẽ khác là BA.5 mang 1 hoặc một số trong 5 đột biến bổ sung S:R346X, S:K444X, S:V445X, S:N450X, S:N460X trên protein gai (gọi tắt là BA.5 + 5, lưu hành chủ yếu ở khu vực châu Phi và Nam Mỹ); cùng với BA.2.30.2 (tỉ lệ nhỏ ở Iceland, Slovenia, Australia, Colombia và Hàn Quốc).
Theo WHO, các biến chủng phụ Omicron được giám sát chia sẻ một số đột biến có liên quan nhưng cho thấy sự khác biệt về mô hình lây lan địa lý. BA.2.75 và XBB xuất hiện và gia tăng tỷ lệ phổ biến chủ yếu ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
"Cả hai biến thể đang tăng chậm về mức độ phổ biến, nhưng dữ liệu hiện tại thì không gợi ý một mối liên hệ nhất quán với sự gia tăng các ca nhiễm mới. Đồng lưu hành BA.2.75 và XBB xảy ra trong nhiều quốc gia" - WHO phân tích.
Trong khi đó, BQ.1 và BA.5 + 5 đã xuất hiện, gia tăng tỉ lệ lưu hành và lan rộng ra nhiều quốc gia.
"Liệu khả năng thoát miễn dịch tăng lên của loạt hậu duệ Omicron mới này có đủ để thúc đẩy các đợt lây nhiễm mới dường như phụ thuộc vào bối cảnh miễn dịch khu vực, quy mô và thời gian của các đợt làn sóng Omicron trước đó và phạm vi tiêm chủng COVID-19" - WHO viết trong báo cáo.
Quan trọng hơn hết, tổ chức này khẳng định: "Dữ liệu hiện tại không gợi ý rằng có sự khác biệt đáng kể về mức độ nghiêm trọng của bệnh đối với BA.2.75, BA.5 + 5, BQ.1 và XBB"